Xây dựng các chỉ số đánh giá hiệu quả hoạt động cho điểm đến du lịch thông minh

mg8559 17267156675951962638166 19 0 1655 2617 crop 172671569108815893443 jpg

Hội thảo là diễn đàn để các chuyên gia, nhà quản lý, nhà hoạch định chính sách, doanh nghiệp du lịch trao đổi, thảo luận về các vấn đề liên quan đến cơ sở lý luận và thực tiễn để xây dựng các chỉ số đánh giá hiệu quả hoạt động cho điểm đến du lịch thông minh ở Việt Nam.

Phát triển du lịch thông minh đảm bảo tính chuyên nghiệp, hiện đại

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Phó Cục trưởng Cục Du lịch quốc gia Việt Nam Nguyễn Lê Phúc cho biết, trước sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ trong thời đại công nghiệp 4.0, việc phát triển du lịch thông minh là xu hướng tất yếu của du lịch thế giới nói chung và ngành du lịch Việt Nam nói riêng.

Xây dựng các chỉ số đánh giá hiệu quả hoạt động cho điểm đến du lịch thông minh ở Việt Nam - Ảnh 1.

Hội thảo: “Xây dựng chỉ số đánh giá hiệu quả hoạt động cho điểm đến du lịch thông minh ở Việt Nam”.

Ở Việt Nam, du lịch đã được Đảng và Nhà nước đặc biệt quan tâm và ban hành nhiều văn bản chỉ đạo để thúc đẩy. Một trong những nhiệm vụ, giải pháp quan trọng là ứng dụng công nghệ thông tin phát triển du lịch số, du lịch thông minh.

Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030 do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 22/01/2020 đã đề ra định hướng đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số trong ngành du lịch, hướng đến hình thành và phát triển hệ sinh thái du lịch thông minh.

Nghị quyết 82/NQ-CP của Chính phủ ngày 18/5/2023 về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đẩy nhanh phục hồi, tăng tốc phát triển du lịch hiệu quả, bền vững đã giao nhiệm vụ cho Bộ VHTTDL xây dựng hệ sinh thái du lịch thông minh hỗ trợ công tác quản lý nhà nước, kinh doanh du lịch và nâng cao trải nghiệm du khách.

Bộ VHTTDL đã phê duyệt đề án “Ứng dụng công nghệ của công nghiệp 4.0 để phát triển du lịch thông minh, thúc đẩy du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn” với mục tiêu chung là: “Ứng dụng công nghệ của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư để phát triển hệ sinh thái du lịch thông minh tại Việt Nam, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách du lịch trong thời đại số, hỗ trợ kết nối hiệu quả giữa cơ quan quản lý nhà nước về du lịch, doanh nghiệp, khách du lịch và các chủ thể liên quan. Phát triển du lịch thông minh đảm bảo tính chuyên nghiệp, hiện đại, đáp ứng yêu cầu đổi mới, quản lý nhà nước ngày càng hiệu quả, góp phần nâng cao năng lực phát triển của du lịch Việt Nam, đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, đảm bảo phát triển bền vững và hội nhập quốc tế”.

Xây dựng các chỉ số đánh giá hiệu quả hoạt động cho điểm đến du lịch thông minh ở Việt Nam - Ảnh 2.

Phó Cục trưởng Cục Du lịch quốc gia Việt Nam Nguyễn Lê Phúc phát biểu khai mạc.

Đảm bảo tính khách quan và hiệu quả trong đo lường

Báo cáo khái quát phát triển du lịch thông minh và triển khai xây dựng bộ chỉ số đánh giá ở Việt Nam, bà Phan Thị Thái Hà – Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin du lịch, Cục Du lịch quốc gia Việt Nam cho biết du lịch thông minh đã được quan tâm nghiên cứu nhiều trong thời gian qua.

Các nghiên cứu tập trung tìm hiểu điều kiện và quy trình xây dựng điểm đến du lịch thông minh tại Việt Nam, đánh giá cơ hội, tiềm năng cũng như khó khăn, thách thức và đưa ra các giải pháp thúc đẩy phát triển du lịch thông minh; đề xuất mô hình phát triển và quản lý; nghiên cứu các trường hợp phát triển du lịch thông minh điển hình trên thế giới và đưa ra các bài học kinh nghiệm để áp dụng cho Việt Nam; tìm hiểu, phân tích các hệ thống, ứng dụng thông minh trên thế giới hoặc đang được phát triển ở Việt Nam để giới thiệu, đề xuất áp dụng cho các điểm đến.

Thực tế ứng dụng công nghệ để phát triển du lịch thông minh cũng diễn ra sôi nổi từ trung ương đến địa phương và các điểm đến trong cả nước. Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam đã có các giải pháp mang tính chất nền tảng để phát triển du lịch số, hệ sinh thái du lịch thông minh ở Việt Nam, đặt ra mục tiêu hỗ trợ các bên liên quan như địa phương, điểm đến, doanh nghiệp du lịch, khách du lịch tham gia vào hệ sinh thái du lịch thông minh, khai thác các giá trị tăng thêm từ môi trường kinh tế số.

Xây dựng các chỉ số đánh giá hiệu quả hoạt động cho điểm đến du lịch thông minh ở Việt Nam - Ảnh 3.

Bà Phan Thị Thái Hà – Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin du lịch phát biểu tại hội thảo.

Các địa phương đã rất năng động, tích cực trong việc chuyển đổi số, phát triển du lịch số, du lịch thông minh. Tiêu biểu là những địa phương trọng điểm du lịch như Hà Nội, Đà Nẵng, Quảng Ninh, Khánh Hòa, TP. Hồ Chí Minh… Những công nghệ tiên tiến, hiện đại như thực tại ảo, thực tại tăng cường, hình ảnh 360 độ, 3D, vé điện tử… đã được áp dụng tại các khu/điểm tham quan du lịch để đưa ra nhiều sản phẩm mới mẻ, độc đáo, gây ấn tượng mạnh, đồng thời mang lại nhiều thuận tiện cho du khách và góp phần quản lý điểm đến hiệu quả hơn.

Tuy nhiên, việc đánh giá hiệu quả của du lịch thông minh tại các địa phương cũng như các khu/điểm du lịch ứng dụng công nghệ và các nghiên cứu về các chỉ số đánh giá cho điểm đến du lịch thông minh ở Việt Nam vẫn là một khoảng trống.

Ngoài ra, theo Khung tham chiếu ICT phát triển đô thị thông minh (phiên bản 1.0) tại Quyết định số 829/QĐ-BTTTT ngày 31/05/2019 của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành, lớp du lịch thông minh là một trong những lớp dịch vụ ưu tiên phát triển trong đô thị thông minh. Bộ Thông tin và Truyền thông đã có Bộ chỉ số KPI đô thị thông minh Việt Nam phiên bản 1.0 nhưng các bộ tiêu chuẩn, tiêu chí cho các lớp trong đô thị thông minh vẫn còn thiếu.

Theo bà Phan Thị Thái Hà, nghiên cứu xây dựng các chỉ số đánh giá về hiệu quả hoạt động (KPI – Key Performance Indicator) cho điểm đến du lịch thông minh được biết đến là một vấn đề quan trọng trong việc quản lý và phát triển du lịch thông minh, góp phần đánh giá thành công của điểm đến một cách khách quan và minh bạch.

Các chỉ số KPI cho điểm đến du lịch thông minh cung cấp một cách tiếp cận hệ thống để đo lường và đánh giá hiệu quả hoạt động của các điểm đến ứng dụng công nghệ phát triển du lịch thông minh, giúp các nhà quản lý, chủ đầu tư, doanh nghiệp và các bên liên quan đánh giá và theo dõi mức độ hoàn thành các mục tiêu, đối tượng, phương thức và kết quả được đề ra. Dựa vào đó, các nhà quản lý có thể đưa ra định hướng phát triển và các quyết định phù hợp để nâng cao hiệu quả hoạt động của điểm đến du lịch mình đang quản lý.

Xây dựng các chỉ số đánh giá hiệu quả hoạt động cho điểm đến du lịch thông minh ở Việt Nam - Ảnh 4.

Quang cảnh hội thảo.

Bên cạnh đó, các chỉ số KPI này cũng giúp tăng tính minh bạch trong hoạt động của các điểm đến du lịch, bởi vì các chỉ số này được xây dựng dựa trên dữ liệu đo lường được từ các nguồn khác nhau. Nó cung cấp cho khách hàng và du khách một cách tiếp cận khách quan để đánh giá hiệu quả của các điểm đến ứng dụng công nghệ phát triển du lịch thông minh. Việc xây dựng các chỉ số KPI đánh giá hiệu quả hoạt động du lịch thông minh cũng giúp tăng cường tính cạnh tranh của các điểm đến, vì các chỉ số KPI cho phép so sánh mức độ phát triển và hiệu quả hoạt động của các điểm đến du lịch thông minh khác nhau và giúp các điểm đến cải thiện và phát triển hơn trong tương lai.

Chính vì vậy, các chỉ số đánh giá hiệu quả hoạt động (KPI) cho điểm đến du lịch thông minh phù hợp với điều kiện ở Việt Nam cần được nghiên cứu thấu đáo, toàn diện và cập nhật để đảm bảo tính khoa học, thực tiễn và hiệu quả trong quản lý và phát triển du lịch.

Đồng thời, để đảm bảo tính khách quan và hiệu quả trong đo lường, các chỉ số cần được xác định và định nghĩa cụ thể đảm bảo tính đồng nhất và dễ dàng so sánh giữa các điểm đến khác nhau (theo cấp tỉnh/thành phố hoặc cấp khu/điểm du lịch) trong việc ứng dụng công nghệ phát triển du lịch thông minh.

Giải quyết các thách thức

Trình bày tham luận về mối quan hệ giữa thành phố thông minh và điểm đến du lịch thông minh và những vấn đề đặt ra đối với phát triển điểm đến du lịch thông minh ở Việt Nam, TS. Trương Sỹ Vinh, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch cho biết ở Việt Nam, mặc dù những điều kiện về hạ tầng thông tin và hành lang pháp lý đã có những tín hiệu tốt; việc ứng dụng các công nghệ tiên tiến trong hoạt động du lịch bước đầu đã có những thành công nhất định (đặt phòng khách sạn, bán tour trên mạng, dịch vụ chia sẻ phương tiện vận chuyển…), tuy nhiên, việc ứng dụng hiệu quả ICT nói chung và phát triển điểm đến du lịch thông minh ở Việt Nam còn nhiều thách thức và nhiều vấn đề cần phải giải quyết.

Xây dựng các chỉ số đánh giá hiệu quả hoạt động cho điểm đến du lịch thông minh ở Việt Nam - Ảnh 5.

TS. Trương Sỹ Vinh, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch trình bày tham luận.

Theo TS. Trương Sỹ Vinh, ở nước ta hiện nay đã sử dụng nhiều thuật ngữ “điểm đến du lịch” nhưng chưa có một định nghĩa chính thức nào. Cùng với đó, khái niệm quản lý điểm đến, tổ chức quản lý điểm đến du lịch chưa được định hình rõ ràng. Vì vậy, cần có những nghiên cứu làm rõ khái niệm, mô hình về điểm đến du lịch nói chung và điểm đến du lịch thông minh trong điều kiện của Việt Nam; làm rõ các khái niệm và nội hàm liên quan đến điểm đến du lịch thông minh đã nêu trên như tính sáng tạo, tính bền vững, khả năng tiếp cận trong một hệ sinh thái công nghệ của điểm đến cũng cần được làm rõ.

Bên cạnh đó, cần có tiêu chí đánh giá để xác định điểm đến du lịch là điểm đến du lịch thông minh (năm 2016, Bộ VHTTDL ban hành Bộ tiêu chí đánh giá điểm đến du lịch dành cho các Khu du lịch và điểm du lịch, tuy nhiên, bộ tiêu chí này chưa dùng được đối với điểm đến du lịch thông minh).

Cũng theo TS. Trương Sỹ Vinh, việc phát triển điểm đến du lịch thông minh ở Việt Nam đối mặt với nhiều thách thức, từ hạ tầng công nghệ, nguồn nhân lực, đến sự phối hợp giữa các bên liên quan và bảo vệ quyền riêng tư. Giải quyết những vấn đề này đòi hỏi sự đầu tư lâu dài, sự hợp tác giữa các bên liên quan, và những chính sách hỗ trợ thích hợp từ phía chính phủ và các tổ chức liên quan.

“Hy vọng rằng, trong tương lai gần, những yếu tố trên sẽ không còn là những cản trở cho việc ứng dụng ICT nói chung và việc xây dựng các điểm đến du lịch thông minh nói riêng trong ngành du lịch Việt Nam”, TS. Trương Sỹ Vinh bày tỏ./.

Theo nguồn: https://toquoc.vn/xay-dung-cac-chi-so-danh-gia-hieu-qua-hoat-dong-cho-diem-den-du-lich-thong-minh-o-viet-nam-20240919101707776.htm

No luc hoan thien cac tieu chi do thi loai Previous post Nỗ lực hoàn thiện các tiêu chí đô thị loại V
maxresdefault 1727154579 5685 1727154757 Next post ‘Đội quân’ dán nhãn AI của tỷ phú 27 tuổi

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *