Máy nhắn tin, thiết bị liên lạc lỗi thời
Máy nhắn tin là thiết bị liên lạc không dây nhỏ gọn, được ra đời từ những năm 1950 của thế kỷ trước. Chức năng chính của máy nhắn tin là hiển thị các tin nhắn ngắn hoặc số điện thoại được gửi đến từ một trung tâm điều phối.
Ban đầu, máy nhắn tin chỉ hiển thị các số điện thoại, như một cách để nhắc nhở người nhận gọi lại vào số đó. Sau này, máy nhắn tin được phát triển để hiển thị các tin nhắn văn bản và một số loại máy còn cho phép người dùng gửi tin nhắn phản hồi.
Máy nhắn tin trở nên phổ biến hơn vào đầu những năm 90 của thế kỷ trước, khi điện thoại di động bắt đầu được sử dụng. Tuy nhiên, ngày nay với sự phát triển của smartphone, dịch vụ nhắn tin SMS hay các ứng dụng nhắn tin miễn phí, máy nhắn tin đã hầu như biến mất và không còn người sử dụng.
Hiện nay, mặc dù máy nhắn tin không còn được sử dụng phổ biến như trước nhưng tại một số quốc gia, nơi giá smartphone vẫn còn quá cao hoặc sóng điện thoại di động, WiFi chưa được phủ rộng, máy nhắn tin vẫn được tin dùng, nhất là trong các lĩnh vực đặc thù như y tế, cứu hộ khẩn cấp…
Vì sao nhóm Hezbollah tại Li Băng vẫn sử dụng máy nhắn tin?
Sau vụ việc hàng loạt máy nhắn tin của thành viên nhóm Hezbollah tại Li Băng bất ngờ phát nổ vào tối 17/9 (theo giờ Việt Nam), nhiều người đã phải đặt câu hỏi tại sao nhóm Hezbollah vẫn sử dụng các thiết bị liên lạc được xem là lỗi thời này?
Câu trả lời chính là ở khả năng bảo mật thông tin của máy nhắn tin.
Cụ thể, máy nhắn tin không sử dụng mạng di động như điện thoại hiện đại. Thay vào đó, máy nhắn tin liên lạc thông qua hệ thống sóng vô tuyến. Các nội dung tin nhắn được gửi từ trung tâm truyền tải của nhà cung cấp dịch vụ đến máy nhắn tin thông qua sóng radio. Mỗi máy nhắn tin đều có một mã số duy nhất để nhận các tin nhắn gửi tới, tương tự như số điện thoại.
Hệ thống máy nhắn tin sử dụng tần số vô tuyến nên có thể hoạt động hiệu quả ngay cả trong những khu vực không có sóng di động, chẳng hạn như các tòa nhà cao tầng hoặc các khu vực ngầm.
Do máy nhắn tin không kết nối với mạng di động và không có kết nối internet, cũng như chỉ được trang bị tính năng cơ bản là nhận và gửi tin nhắn, thiết bị này rất khó để bị theo dõi, bị nghe lén hoặc đọc trộm các tin nhắn… điều này phù hợp với tiêu chí sử dụng của các thành viên nhóm Hezbollah, vốn đòi hỏi tính di động và an ninh cao.
Chuyện gì đã xảy ra với hàng loạt máy nhắn tin của lực lượng Hezbollah?
Chuỗi các vụ nổ máy nhắn tin tại Li Băng xảy ra vào khoảng 16h45 ngày 17/9 (theo giờ địa phương) và kéo dài trong khoảng một giờ đồng hồ.
Bộ trưởng Y tế Li Băng Firass Abiad cho biết khoảng 2.750 người đã bị thương, trong đó có hơn 200 người gặp tình trạng nguy kịch với các vết thương trên tay, mặt và bụng. Đến nay đã có 9 người thiệt mạng sau các vụ nổ, bao gồm một bé gái 8 tuổi.
Đại sứ Iran tại Li Băng Mojtaba Amani cũng bị thương sau hàng loạt vụ nổ xảy ra.
Máy nhắn tin bị phát nổ là loại gì?
Những chiếc máy nhắn tin bị phát nổ được xác định là loại máy AR-924, được sản xuất bởi Gold Apollo, công ty chuyên thiết kế và sản xuất các loại máy nhắn tin, thiết bị liên lạc không dây, bộ đàm… có trụ sở tại thành phố Tân Đài Bắc, Đài Loan.
Máy nhắn tin AR-924 được trang bị pin cho phép sử dụng trong 85 ngày, có thể hoạt động trong điều kiện nhiệt độ từ -10 đến 50 độ C.
Loại máy này được các thành viên của lực lượng Hezbollah sử dụng nhờ vào ưu điểm độ bền cao, có thể chống bụi, nước và khả năng bắt tín hiệu tốt trong phạm vi xa.
Vì sao máy nhắn tin lại bị phát nổ hàng loạt?
Đây là câu hỏi vẫn chưa có lời giải đáp, nhưng đã có nhiều giả thuyết đưa ra để giải thích cho vấn đề này.
Ban đầu, một số ý kiến cho rằng các tin tặc đã gửi đến các máy nhắn tin một loại mã độc hoặc đoạn mã nào đó khiến máy bị đoản mạch, làm pin trên thiết bị tăng nhiệt độ dẫn đến phát nổ.
Tuy nhiên, trên thực tế, việc để pin trên máy nhắn tin phát nổ và gây sát thương lớn như vậy là điều bất khả thi. Bên cạnh đó, việc gửi mã độc cho máy nhắn tin lỗi thời để khiến máy phát nổ cũng là điều hầu như không thể thực hiện được.
“Không thể có cách nào khiến pin trên máy nhắn tin bị nóng đến mức phát nổ hàng loạt như vậy. Giả thuyết hợp lý nhất là ai đó đã cài thuốc nổ hàng loạt vào những chiếc máy này và kích nổ từ xa thông qua sóng vô tuyến”, Robert Graham, chuyên gia an ninh mạng người Mỹ, bình luận.
Hãng tin CNN dẫn lời các nguồn tin nói rằng Israel có thể đứng đằng sau vụ tấn công khiến hàng nghìn máy nhắn tin của các thành viên Hezbollah đồng loạt phát nổ hôm 17/9. Theo nguồn tin, chiến dịch này được cho là kết quả của sự hợp tác giữa cơ quan tình báo Israel, Mossad, và quân đội nước này.
Trong khi đó, tờ báo New York Times dẫn nguồn tin từ quan chức Mỹ nói rằng, Israel bị nghi ngờ đã đặt vật liệu nổ vào một lô máy nhắn tin do Đài Loan sản xuất, được nhập khẩu vào Li Băng để Hezbollah sử dụng.
Cựu sĩ quan quân đội Anh và chuyên gia vũ khí hóa học Hamish de Bretton-Gordon tin rằng máy nhắn tin của Hezbollah có thể đã bị can thiệp dọc theo chuỗi cung ứng và được kết nối để phát nổ theo tín hiệu từ xa.
Bà Deepa Kundur, giáo sư kỹ thuật điện và máy tính tại Đại học Toronto (Canada), cũng có chung nhận định khi bà nghi ngờ phía tấn công đã tìm cách xâm nhập vào quy trình sản xuất máy nhắn tin để cài thuốc nổ vào một trong những bộ phận của thiết bị. Bộ phận nổ có thể nằm trong máy nhắn tin nhiều tháng hoặc nhiều năm trước khi bị kích hoạt và phát nổ đồng loạt.
Hezbollah đã cáo buộc Israel đứng sau vụ nổ hàng loạt máy nhắn tin và thề sẽ trả đũa. Phía Israel chưa đưa ra bình luận gì về sự việc.
Theo nguồn: https://dantri.com.vn/suc-manh-so/vi-sao-luc-luong-hezbollah-van-su-dung-may-nhan-tin-loi-thoi-20240918101136231.htm