Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư đánh dấu sự phát triển vượt bậc trong việc sử dụng dữ liệu và công nghệ vào toàn bộ hoạt động của đời sống xã hội. Xu hướng số hóa nền Kinh tế và các hoạt động xã hội đang diễn ra rất nhanh ở nhiều quốc gia. Kinh tế số đã trở thành một bộ phận đóng góp ngày càng quan trọng trong tổng sản phẩm của các quốc gia, đặc biệt trong quá trình phục hồi hậu COVID-19. Văn kiện Đại hội XIII đã xác định mục tiêu kinh tế số đạt tỷ trọng 20% GDP đến năm 2025 và 30% đến năm 2030. Các tỉnh, thành phố của Việt Nam cũng đã ban hành nghị quyết cụ thể hóa các mục tiêu chuyển đổi số và phát triển kinh tế số cho địa phương mình.
Theo Báo cáo “Tương lai nền kinh tế số Việt Nam hướng tới năm 2030 và 2045” (Tổ chức Data61 – Úc), GDP Việt Nam có thể tăng thêm hàng năm từ 0,38 đến 1,1% tùy vào các kịch bản khác nhau của chuyển đổi số. Trong 10 năm qua, kinh tế số Việt Nam đã phát triển không ngừng về cả nền tảng hạ tầng và thị trường kinh doanh, nền kinh tế đã ghi nhận sự xuất hiện xu hướng số hóa ở nhiều lĩnh vực, các ngành kinh tế, từ ngân hàng, tài chính, thương mại, đến giáo dục, y tế….
Kinh tế số đã trở thành một bộ phận đóng góp ngày càng quan trọng trong tổng sản phẩm của các quốc gia (Ảnh: PV) |
Cụ thể, nhóm tư vấn chính sách của Trường Đại học Kinh tế Quốc dân đã phân tích, luận bàn và đề xuất hai kiến nghị chính sách:
Đẩy mạnh hoàn thiện về thể chế và cơ sở dữ liệu phát triển kinh tế số
Trong bối cảnh phát triển kinh tế số như hiện nay, Việt Nam cần chú trọng trước hết đến việc xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách nhằm tạo khuôn khổ cho phát triển kinh tế số trên quy mô cả nước cũng như thể chế vùng kinh tế và địa bàn tỉnh, thành. Hoàn thiện khung thể chế, cơ chế quản lý phù hợp với môi trường kinh doanh số, tạo thuận lợi cho đổi mới sáng tạo phù hợp với các khuôn khổ pháp lý khu vực và toàn cầu để phát triển kinh tế số, đặc biệt là các mô hình và phương thức kinh doanh mới để kinh tế số sớm tăng quy mô và gia tăng tỷ trọng đóng góp trong tăng trưởng nói chung. Một số chính sách cần được ưu tiên, đó là:
Khuyến khích đổi mới: Tạo cơ chế khuyến khích đổi mới và đầu tư vào nền kinh tế số ở các bộ phận cấu thành như kinh tế số lõi, nền tảng và số hóa các ngành, tạo ra một sân chơi bình đẳng cho các công ty mới và đã thành lập.
Thúc đẩy cạnh tranh: Cần ngăn chặn các công ty thống trị tham gia vào các hành vi phản cạnh tranh và đảm bảo rằng cạnh tranh là công bằng và cởi mở trong nền kinh tế số.
Đảm bảo an ninh mạng: Cần bảo vệ cơ sở hạ tầng quan trọng của quốc gia và dữ liệu nhạy cảm khỏi các cuộc tấn công mạng và vi phạm dữ liệu, đồng thời đảm bảo an toàn và bảo mật cho dữ liệu cá nhân của người tiêu dùng.
Bảo vệ quyền của người tiêu dùng: Cần đảm bảo rằng người tiêu dùng được bảo vệ khỏi thông tin sai lệch hoặc gây hiểu lầm, vi phạm quyền riêng tư và các hành vi có hại khác có thể phát sinh trong nền kinh tế số.
Giải quyết các vấn đề xuyên biên giới: Trong nền kinh tế số, các doanh nghiệp và người tiêu dùng có thể hoạt động xuyên biên giới và điều này đặt ra những thách thức pháp lý mới. Các quy định được đưa ra để giải quyết những thách thức này và đảm bảo rằng nền kinh tế số hoạt động theo cách phù hợp với luật pháp và thông lệ quốc tế.
Ưu tiên các dự án kinh tế số mang tính liên ngành, liên tỉnh, phù hợp với quy hoạch phát triển các vùng kinh tế đã được thông qua.
Gia tăng đầu tư, đặc biệt là đầu tư công nhằm nâng cấp đồng bộ kết cấu hạ tầng và dịch vụ số thiết yếu và rộng khắp, bao quát mọi ngõ ngách của nền kinh tế và đến từng công dân, xây dựng và phát triển đồng bộ hạ tầng dữ liệu quốc gia, đầu tư nâng cấp hạ tầng kỹ thuật bảo đảm an toàn, an ninh mạng, nâng cấp hạ tầng các ngành, lĩnh vực quan trọng, thiết yếu một cách đồng bộ, tạo điều kiện cho người dân và doanh nghiệp được sử dụng những tiện ích do kinh tế số mang lại.
Cần phải chuyển từ ứng dụng công nghệ, “bắt chước” trong công nghệ, sang phát triển công nghệ, và các doanh nghiệp số Việt Nam cần lĩnh trọng trách này trong phương thức tăng trưởng của những thập niên tới.
Nâng cao nhận thức về phát triển kinh tế số và chuyển đổi số quốc gia, qua đó có sự chuẩn bị tốt nhất cho khả năng thích ứng các xu hướng phát triển này đối với doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ. Các doanh nghiệp cần chủ động nắm bắt cơ hội, tối ưu hóa mô hình kinh doanh, phát triển kỹ năng mới cho từng cá nhân và tổ chức, sớm triển khai tích hợp công nghệ số hóa, thúc đẩy phát triển những giải pháp sản xuất và kinh doanh dựa trên số hóa, tham gia hiệu quả hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu, năng cao năng lực quản trị phù hợp với những mô hình sản xuất, kinh doanh và hợp tác mới.
Các địa phương cần quan tâm bố trí nguồn lực, hỗ trợ thu thập thông tin phục vụ biên soạn các chỉ tiêu liên quan đến kinh tế số trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, đặc biệt là hoạt động thương mại điện tử.
Thực hiện các điều tra chuyên sâu để thu thập thông tin liên quan đến hoạt động số hóa và xây dựng các hệ số kỹ thuật phục vụ biên soạn các chỉ tiêu kinh tế số phản ánh đầy đủ, sát thực đóng góp của kinh tế số trong phát triển kinh tế – xã hội của nước ta.
Các địa phương trên cơ sở số liệu thống kê về kinh tế số vừa được công bố, cần điều chỉnh việc thực hiện các chỉ tiêu và điều chỉnh chiến lược và kế hoạch phát triển kinh tế số phù hợp với đặc điểm và cấu trúc kinh tế của địa phương mình.
Tập trung phát triển, thu hút các chuyên gia về công nghệ số, các doanh nhân số thông qua các chính sách phù hợp (Ảnh: PV) |
Chú trọng đào tạo nguồn nhân lực phát triển kinh tế số trí tuệ nhân tạo
Hiện tại, mặc dù tốc độ tăng trưởng kinh tế số của Việt Nam đứng đầu các nước trong khu vực, đặc biệt là tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử, tuy nhiên xét về nhân lực sẵn sáng cho phát triển kinh tế số, Việt Nam lại đang đứng cuối bảng. Vấn đề này đã được các quốc gia phát triển chú trọng từ lâu, nhưng đối với các quốc gia đang phát triển như Việt Nam, vấn đề phát triển nguồn nhân lực cho kinh tế số vẫn chưa được quan tâm đúng mức. Do đó, Việt Nam cần dành nhiều nguồn lực hơn cho phát triển nguồn nhân lực cho kinh tế số. Cụ thể, Nhà nước cần có chiến lược và kế hoạch cung cấp giáo dục và đào tạo để mọi người dân đều có được những kỹ năng và kiến thức cần thiết để tham gia vào nền kinh tế kỹ thuật số. Điều này bao gồm đào tạo về kiến thức kỹ thuật số, kỹ năng máy tính và các lĩnh vực khác có liên quan đến nền kinh tế kỹ thuật số.
Cần có chính sách cụ thể và giải pháp khuyến khích học tập suốt đời, bằng cách tạo cơ hội cho các cá nhân tiếp thu các kỹ năng và kiến thức mới trong suốt sự nghiệp của họ, để họ có thể bắt kịp với những thay đổi nhanh chóng trong nền kinh tế kỹ thuật số.
Thúc đẩy phát triển kỹ năng số: Nhà nước có thể thúc đẩy phát triển kỹ năng số bằng cách đầu tư vào các chương trình giáo dục và đào tạo, đồng thời khuyến khích các doanh nghiệp và cá nhân đầu tư vào phát triển kỹ năng số của chính họ.
Giải quyết tình trạng thiếu kỹ năng: Nhà nước có trách nhiệm giải quyết tình trạng thiếu kỹ năng trong nền kinh tế kỹ thuật số, bằng cách đảm bảo có đủ công nhân lành nghề và được đào tạo để đáp ứng nhu cầu của các doanh nghiệp và toàn bộ nền kinh tế kỹ thuật số.
Thúc đẩy văn hóa đổi mới: Nhà nước có thể thúc đẩy văn hóa đổi mới bằng cách khuyến khích phát triển các kỹ năng và kiến thức mới, đồng thời hỗ trợ nghiên cứu và phát triển trong nền kinh tế kỹ thuật số.
Tập trung phát triển, thu hút các chuyên gia về công nghệ số, các doanh nhân số thông qua các chính sách phù hợp. Đồng thời, cần định hướng phát triển giáo dục – đào tạo ở địa phương gắn với chiến lược phát triển kinh tế – xã hội và định hướng phát triển các ngành, lĩnh vực công nghệ cao, sản xuất thông minh của nền kinh tế số.
Đổi mới, hiện đại hóa chương trình đào tạo đại học, đào tạo nghề trên địa bàn tỉnh, thành phố, chuyển mạnh từ đào tạo theo khả năng sang đào tạo theo nhu cầu xã hội./.
Theo nguồn: https://dangcongsan.vn/kinh-te/thuc-day-phat-trien-kinh-te-so-trong-boi-canh-hien-nay-682234.html