Minh Anh (sinh năm 2007, tên đầy đủ là Trần Phú Minh Anh) hiện đang là học sinh của một trường quốc tế tại TPHCM. Có bố là nhà thơ nên cô bé được tiếp cận với sách báo từ khá sớm. Trước khi có tập thơ Một ngày từ bên trong giành giải A Giải thưởng Văn học nghệ thuật Việt Nam năm 2023 và là tác giả trẻ nhất nhận giải khi đó, Minh Anh viết đã truyện dài Bức tranh huyền bí từ gợi ý của giáo viên từ trường học. Các tác phẩm của em được đánh giá rất cao vì sự sáng tạo mới mẻ và thường sử dụng cả 2 ngôn ngữ Anh và Việt.
Đến với Hội nghị nhận được tình cảm yêu thương, trìu mến của các nhà văn đi trước Minh Anh cảm thấy thế nào?
– Đầu tiên tôi thấy rất vinh dự khi được nhận giải thưởng từ tập thơ năm trước cho đến lúc được tham gia Hội nghị được gặp gỡ các cô chú, anh chị nhà văn. Bên cạnh niềm vui, sự tự hào tôi còn cảm thấy hơi bất ngờ một chút.
Tôi không nghĩ là một đam mê nhỏ bé của tôi từ khi 7, 8 tuổi lại có thể mang đến ý nghĩa lớn với cuộc đời của mình như vậy. Và sau hội nghị này khi tôi được gặp gỡ các nhà văn, nhà thơ lão thành cũng như nhiều bạn trẻ giống như mình, tôi cảm nhận rõ ràng đất nước mình rất quan tâm đến văn học. Từ đó tôi sẽ có động lực để viết nhiều hơn…
Bạn nghĩ thế nào về thơ khi sáng tác? Bạn thường sử dụng cách xây dựng hình ảnh thơ như thế nào?
– Đối với tôi thơ là cách để nói ra những suy nghĩ, tâm tư cũng như là khát vọng rất lớn và sâu sắc. Từ năm 7 tuổi, tôi đã đi đến các hang động ở Quảng Bình cùng với bố của tôi. Khi vào các hang động tôi thấy rất cảm động trước vẻ đẹp của tự nhiên. Tôi chắc có lẽ do tôi cũng hơi rung động trước vẻ đẹp đó nên đã quyết định viết một bài thơ nhỏ.
Sau khi tôi chia sẻ tác phẩm đầu tiên với bố mẹ và gia đình thì mọi người đã khuyên nên sáng tác. Với tôi thơ không phải là điều gì quá cao siêu hay phải có phong cách nghệ thuật gì độc đáo. Tôi chỉ cố gắng làm sao để thơ đến tự nhiên từ tâm hồn của tôi, suy nghĩ của tôi bằng những ngôn từ đơn giản chứ không phải một toan tính nào khác.
Minh Anh nói muốn viết những câu thơ đến từ tâm hồn mình. Vậy khi sáng tác một bài thơ, ý tưởng đến với bạn trước hay ngôn từ bản thân muốn diễn đạt đến với bạn trước?
– Chắc chắn là ý tưởng sẽ phải đến trước rồi! Thường là vào ban đêm tôi suy nghĩ rất nhiều về cuộc sống, về tương lai của tôi hoặc là tôi đang gặp khó khăn gì đó. Từ đó để tôi nảy ra những ý tứ và từ từ tôi sẽ tìm ra ngôn từ để diễn tả cái cảm xúc đó.
Trong tập thơ Một ngày từ bên trong tại sao bạn lại muốn đây là những bài thơ song ngữ Việt – Anh mà không phải là những bài thơ chỉ bằng tiếng Việt thuần túy?
– Tôi nghĩ đối với những bạn trẻ giống mình, học ở trường quốc tế từ nhỏ chúng tôi thường rất thích sử dụng tiếng Anh trong mọi hoạt động hàng ngày. Vì vậy bên cạnh việc dùng tiếng Việt để làm thơ tôi cũng muốn thể hiện cả bằng tiếng Anh để mọi người thấy được cái hay cái đẹp của ngôn từ của cả hai loại ngôn ngữ này. Cũng như ban đầu tôi đã chia sẻ, tôi viết thơ là cho chính mình, viết về những suy nghĩ của mình chứ không phải viết cho một ai khác.
Bạn nói là làm thơ cho chính mình viết về suy nghĩ của mình. Vậy thường sau khi hoàn thành một bài thơ, lúc đọc lại bạn có thấy vui, có thấy hài lòng vì đã chuyển tải được tâm tư của bản thân thành ngôn từ?
– Trong lúc viết, thường thì từ ngữ đến với tôi rất tự nhiên nên tôi cũng không phải suy nghĩ nhiều. Điều đặc biệt là nhiều lúc đọc lại những bài thơ đó, tôi có chút bị bất ngờ và cũng hơi rung động vì chính những câu thơ của mình. Điều đó không những khiến tôi vui mà còn làm cho tôi cảm thấy buồn cười (cười)…
Điều đó chứng tỏ bạn là một người có tâm hồn thơ và biết cảm thụ thơ. Vậy có khi nào bạn đọc thơ của người khác rồi tự phân tích, cảm nhận chúng hay không?
– Rất tiếc là tôi không có thời gian để làm việc đó. Vì đang còn đi học nên tôi phải tập trung cho việc học hàng ngày. Và vì yêu thích thơ quá tôi mới chỉ tự sáng tác những bài thơ cho mình thôi.
Mọi chuyện đến với tôi chỉ dừng lại ở việc tôi có ý tưởng, tôi có ngôn từ để diễn đạt và tôi rung động thực sự trước sự tìm tòi đó của mình mà thôi.
Viết thơ bằng 2 thứ ngôn ngữ quen thuộc có khi nào bạn nghĩ tới yếu tố văn hóa trong thơ mình không?
– Thực ra, tôi có nhiều bài thơ tả về cảnh quan đẹp của Việt Nam và trên thế giới, nhưng tôi chưa quan tâm cũng như thể hiện được yếu tố văn hóa nào trong đó. Đối với tôi, thơ chỉ có một cánh cửa đó là tâm hồn, cảm thức về cái đẹp và sự rung động mà thôi!
Cảm ơn Minh Anh đã chia sẻ thông tin!
Theo nguồn: https://danviet.vn/co-gai-17-tuoi-gianh-giai-a-tho-song-ngu-rung-dong-voi-ve-dep-quang-binh-khien-toi-viet-tac-pham-dau-tien-20241020120910664.htm