Một số quốc gia đã và đang cấm bán hoặc hạn chế kinh doanh iphone cũng như các sản phẩm khác của Apple vì nhiều lý do khác nhau, bao gồm vấn đề bảo mật, chính sách thương mại, hoặc tranh chấp pháp lý.
Indonesia
Indonesia là quốc gia mới nhất vừa chính thức ban hành lệnh cấm iPhone và các sản phẩm khác của Apple.
Lý do của việc ban hành lệnh cấm này đó là vì Apple đã không thực hiện đầu tư đủ số tiền như cam kết, không xây dựng nhà máy sản xuất tại Indonesia cũng như không đáp ứng đủ tỷ lệ nội địa hóa của sản phẩm công nghệ.
Lệnh cấm có hiệu lực đối với iphone 16 và loạt đồng hồ thông minh Apple Watch Series 10 mới nhất.
Apple bắt buộc phải đáp ứng các yêu cầu của chính phủ Indonesia, bao gồm đầu tư đủ số tiền đã cam kết, phải hợp tác với công ty tại Indonesia hoặc xây dựng nhà máy sản xuất tại quốc gia này mới được phép bán ra loạt iPhone 16 và Apple Watch 10.
Brazil
Vào tháng 9/2022, Brazil đã từng ban hành lệnh cấm bán iPhone tại thị trường này vì Apple đã bán ra sản phẩm mà không kèm theo củ sạc bên trong máy. Bộ Tư pháp Brazil cho rằng động thái của Apple là vi phạm quyền lợi của người dùng do họ sẽ phải trả thêm tiền để mua củ sạc nhằm sử dụng đầy đủ chức năng của chiếc điện thoại.
Chính phủ Brazil sau đó đã xử phạt Apple số tiền 2,3 triệu USD và yêu cầu Apple ngừng bán iPhone mà không kèm theo bộ sạc.
Apple ban đầu đã phản đối quyết định của chính phủ Brazil và giải thích rằng bán iPhone không kèm theo bộ sạc nhằm mục đích bảo vệ môi trường, giảm lượng rác thải điện tử. Tuy nhiên, chính quyền Brazil không đồng ý với lý do này và tiếp tục yêu cầu Apple phải tuân thủ, nếu không sẽ tiếp tục cấm bán iPhone.
Hiện tại Apple phải bán ra iPhone kèm theo củ sạc cho người dùng tại Brazil.
Colombia
Từ tháng 7/2022 và tháng 4/2023, Colombia đã từng cấm Apple bán ra 2 loạt điện thoại iPhone 12 và 13 tại quốc gia này. Lệnh cấm được ban hành bắt nguồn từ một tranh chấp pháp lý liên quan đến bằng sáng chế công nghệ 5G giữa Apple và Ericsson.
Trước đó, Ericsson đã khởi kiện Apple lên tòa án tại Colombia, với cáo buộc Apple vi phạm bản quyền công nghệ 5G mà Ericsson đang sở hữu. Tòa án Colombia đã ra lệnh cấm bán các mẫu iPhone 5G (như iPhone 12 và iPhone 13) tại quốc gia này trong khi chờ đợi kết quả vụ kiện.
Apple đã phản đối quyết định và cho rằng lệnh cấm này không công bằng, đồng thời cũng nỗ lực kháng cáo. Tuy nhiên, lệnh cấm vẫn có hiệu lực trong một thời gian ngắn cho đến khi hai bên tìm ra được tiếng nói chung.
Nga
iPhone không bị cấm bán tại thị trường Nga theo lệnh của chính phủ quốc gia này. Ngược lại, bắt đầu từ tháng 3/2022, Apple đã quyết định dừng kinh doanh tại thị trường Nga tất cả các sản phẩm của hãng, sau khi Nga thực hiện chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine.
Apple cũng đã dừng các dịch vụ của hãng tại Nga như Apple Pay, hạn chế quyền truy cập vào kho ứng dụng App Store…
Dù các sản phẩm của Apple không được bán qua kênh chính thức tại Nga, người dùng tại quốc gia này vẫn có thể mua sản phẩm thông qua “xách tay”, các cửa hàng kinh doanh không chính thức… mà không gặp trở ngại nào với cơ quan chức năng.
Trung Quốc
Trung Quốc là thị trường smartphone lớn nhất thế giới và là một trong những thị trường quan trọng nhất của Apple.
Các sản phẩm của Apple không chịu lệnh cấm bán trực tiếp tại Trung Quốc, tuy nhiên, kể từ tháng 9/2023, một số cơ quan chính phủ Trung Quốc đã ra chỉ thị hạn chế hoặc cấm nhân viên sử dụng iPhone và các thiết bị công nghệ của nước ngoài.
Quy định này không áp dụng rộng rãi cho toàn bộ người dân, mà chỉ tập trung vào nhân viên chính phủ và một số tổ chức nhà nước.
Lý do đưa ra quy định này đó là chính phủ Trung Quốc muốn giảm thiểu nguy cơ lộ lọt thông tin và bảo vệ an ninh quốc gia, đồng thời khuyến khích viên chức sử dụng thiết bị do Trung Quốc sản xuất trong các cơ quan nhà nước để giảm sự phụ thuộc vào công nghệ nước ngoài.
Mặc dù không có lệnh cấm toàn diện, quy định này cũng đã ảnh hưởng đến doanh số bán hàng của Apple tại Trung Quốc.
Syria, Triều Tiên, Sudan, và Cuba
iPhone và các sản phẩm khác của Apple không được bán chính thức tại Syria, Triều Tiên, Sudan và Cuba vì những quốc gia này đang chịu các lệnh trừng phạt thương mại từ chính phủ Mỹ.
Lệnh cấm kinh doanh các sản phẩm của Apple không bắt nguồn từ chính phủ các quốc gia này, mà đây là lệnh cấm từ chính phủ Mỹ, áp dụng cho các công ty công nghệ của Hoa Kỳ, nhằm hạn chế hoạt động kinh doanh và ngăn chặn xuất khẩu công nghệ nhạy cảm.
Người dùng tại các quốc gia này vẫn có thể mua iPhone và sản phẩm của Apple thông qua thị trường chợ đen, các cửa hàng không chính hãng hoặc bằng cách “xách tay”, nhưng không được hỗ trợ chính thức từ các dịch vụ của Apple.
Theo nguồn: https://dantri.com.vn/suc-manh-so/quoc-gia-nao-da-tung-cam-iphone-va-cac-san-pham-khac-cua-apple-20241029165222222.htm