Cứ mỗi lần mưa bão, vợ chồng ông Đinh Văn Phục, ở thôn Yên Thắng, xã Yên Hóa, huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình nơm nớp nỗi lo sập nhà. Căn nhà của gia đình ông Phục được làm từ gỗ và tre, 4 bề thưng che bằng tôn, mái lợp fibro xi măng đã mục nát. Ngày nắng thì nóng như rang, ngày mưa thì thấm dột khắp nhà. Gia đình ông Phục thuộc hộ nghèo, ông tuổi đã cao, nguồn thu nhập không có, việc xây dựng 1 căn nhà vững chã
Cứ mỗi lần mưa bão, vợ chồng ông Đinh Văn Phục, ở thôn Yên Thắng, xã Yên Hóa, huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình nơm nớp nỗi lo sập nhà. Căn nhà của gia đình ông Phục được làm từ gỗ và tre, 4 bề thưng che bằng tôn, mái lợp fibro xi măng đã mục nát. Ngày nắng thì nóng như rang, ngày mưa thì thấm dột khắp nhà. Gia đình ông Phục thuộc hộ nghèo, ông tuổi đã cao, nguồn thu nhập không có, việc xây dựng 1 căn nhà vững chãi là khó thực hiện được. Ông Đinh Văn Phục lo lắng: “Chuẩn bị có bão là thôn xóm gọi chúng tôi di dời lên chỗ trường cấp 1 có nhà kiên cố để tránh vì ngôi nhà của tôi giờ đã yếu lắm rồi, xiêu vẹo, có khi sợ nhà sập, sợ chết người. Mong muốn được giúp đỡ để có được cái nhà vững chắc không lo nắng mưa vì gia đình đang ở nhà tạm mà hoàn cảnh thì khó khăn quá, không làm được nhà”.
Hiện nay, các địa phương tại tỉnh Quảng Bình đã thành lập các tổ, nhóm, rà soát từng hộ gia đình đang ở trong những căn nhà tạm, dột nát. Đa số các hộ ở nhà tạm, nhà dột nát đều là hộ nghèo, người neo đơn, mất sức lao động, không đủ điều kiện làm nhà ở mới. Ông Đinh Thủy Long, Chủ tịch UBND xã Yên Hóa, huyện Minh Hóa cho biết, việc rà soát nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn đã hoàn tất, địa phương đã có báo cáo gửi đến cấp có thẩm quyền xem xét và hướng dẫn các bước thực hiện trong thời gian tới. “Để rà soát đúng đối tượng nhà dột nát và nhà tạm bợ chúng tôi bám theo các văn bản cấp trên; đồng thời ban hành văn bản cụ thể trên cơ sở đó để các tổ bám vào các tiêu chí để đánh giá sát đúng với thực tế của từng nhà”, ông Đinh Thủy Long thông tin.
Để việc rà soát nhà tạm, nhà dột nát sát đúng thực tế, khách quan, huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình đã chỉ đạo các địa phương rà soát theo số lượng đối tượng cần hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát. Trường hợp hộ gia đình thuộc nhiều đối tượng hỗ trợ thì chỉ thống kê theo một loại đối tượng, ưu tiên phân loại đối tượng theo thứ tự gồm: hộ gia đình người có công với cách mạng và thân nhân liệt sỹ cần hỗ trợ xây dựng nhà ở; hỗ trợ nhà ở theo các chương trình mục tiêu quốc gia và hộ nghèo, cận nghèo cần hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát. Ông Nguyễn Bắc Việt, Chủ tịch UBND huyện Minh Hóa cho biết: “Đối với các địa phương chúng tôi đã chỉ đạo các đồng chí Uỷ viên UBND huyện phụ trách địa bàn chỉ đạo trực tiếp tại các xã thị trấn; đồng thời chỉ đạo cấp ủy Đảng, chính quyền huy động toàn bộ cán bộ, công chức và cán bộ không chuyên trách của xã thành lập các tổ để đi từng bản, thôn, tổ dân phố vào từng nhà một đảm bảo không để sót cũng như không để sai đối tượng”.
Từ năm 2019 đến nay, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp ở tỉnh Quảng Bình đã hỗ trợ xây dựng và sửa chữa 3.000 nhà “Đại đoàn kết” cho hộ nghèo, hộ gia đình hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo, hộ gia đình bị ảnh hưởng do thiên tai, sự cố nghiêm trọng về nhà. Việc làm này góp phần xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo, cận nghèo ở tỉnh Quảng Bình. Tuy nhiên theo thống kê, tỉnh Quảng Bình còn hơn 3.600 hộ nghèo, hộ cận nghèo khó khăn về nhà ở, đang sống trong những căn nhà tạm, nhà dột nát, không đảm bảo diện tích tối thiểu và chất lượng nhà ở theo quy định. Trong đó có 1.440 hộ cần hỗ trợ cải tạo, sửa chữa; hơn 2.200 hộ cần hỗ trợ xây mới nhà ở.
Tỉnh Quảng Bình chủ trương, nhà ở sau khi được hỗ trợ thì phải đảm bảo diện tích sử dụng tối thiểu 30m2; các hộ đang sinh sống tại khu vực ngập lụt thường xuyên 2m thì phải xây dựng được nhà hai tầng hoặc nhà tránh lũ. Ông Đoàn Ngọc Lâm, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình cho biết, tỉnh phấn đầu trong năm 2025 sẽ hoàn thành việc xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo, hộ cận nghèo. “Thường trực Tỉnh ủy cũng chỉ đạo đến 2025 phải xóa hết nhà tạm cho hộ nghèo. Nhà tạm theo tiêu chí của nông thôn mới là đảm bảo yếu tố 3 cứng. Nếu muốn làm kịp thời để năm 2025 hoàn thành thì cần làm cụ thể, chi tiết và đề nghị các xã, các huyện cùng tham gia rà soát. Thường trực Hội đồng Nhân dân cũng sẽ đưa Nghị quyết này vào kỳ họp để trong năm nay triển khai đảm bảo kịp thời theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ đến 2025 kết thúc việc xóa nhà tạm cho hộ nghèo”.
Theo nguồn: https://vov.vn/xa-hoi/quang-binh-tap-trung-xoa-nha-tam-nha-dot-nat-cho-ho-ngheo-can-ngheo-post1130741.vov