Gia hạn lần 5
Theo thông tin từ UBND tỉnh Quảng Bình, tại thông báo kết luận của Ban cán sự Đảng UBND tỉnh về phiên họp ngày 13.8, vừa đồng ý gia hạn lần thứ 5 cho Dự án Nhà máy viên nén năng lượng Quảng Bình của Công ty TNHH Phát triển nguồn lực Dohwa (Dự án Dohwa).
Theo đó, sau khi nghe Ban Quản lý Khu kinh tế báo cáo chủ trương điều chỉnh Dự án Nhà máy viên nén năng lượng Quảng Bình của Công ty TNHH Phát triển nguồn lực Dohwa; ý kiến của các thành viên Ban cán sự Đảng UBND tỉnh; Ban cán sự Đảng UBND tỉnh thống nhất chủ trương điều chỉnh Dự án Dohwa.
Trước đó, như Báo Lao Động đã thông tin, ngày 22.2.2024 Phó Trưởng Ban Quản lý Khu kinh tế Quảng Bình Hoàng Đăng Anh ký gửi UBND tỉnh báo cáo về tình hình thực hiện Dự án Dohwa, nêu rõ việc dự án cần xem xét chấm dứt hoạt động.
Văn bản chỉ rõ, dự án này không thuộc trường hợp quy định điều chỉnh tiến độ thực hiện dự án của Luật Đầu tư, do đó, Ban Quản lý Khu kinh tế đề nghị chấm dứt hoạt động của dự án.
Tuy nhiên, đến ngày 17.6.2024, Ban Quản lý Khu kinh tế Quảng Bình lại có văn bản khác gửi đến UBND tỉnh về việc điều chỉnh gia hạn cho công ty này đến tháng 12.2025.
Sự bất nhất của Ban Quản lý Khu kinh tế
Liên quan đến việc gia hạn Dự án trên, Luật sư Đoàn Trọng Bằng, Công ty Luật Black & White – Đoàn Luật sư TP Hà Nội đã có những chia sẻ xung quanh vấn đề này.
Theo Luật sư Đoàn Trọng Bằng, tại văn bản số 195 ngày 22.2.2024 của Ban Quản lý khu kinh tế về việc báo cáo tình hình thực hiện Dự án Dohwa, nhận định và đánh giá rằng Dự án đang không thuộc trường hợp cho phép điều chỉnh tiến độ thực hiện dự án theo quy định của Luật Đầu tư. Ngày 11.3.2024, Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh Quảng Bình báo cáo Thường trực Tỉnh ủy Quảng Bình về Dự án Nhà máy sản xuất viên nén năng lượng của Công ty TNHH phát triển nguồn lực Dohwa là thống nhất với đề xuất của Ban quản lý khu kinh tế về việc xem xét chấm dứt Dự án theo quy định, đề nghị Thường trực Tỉnh ủy cho chủ trương về việc chấm dứt Dự án chứ không cho điều chỉnh tiến độ thực hiện Dự án.
Tuy nhiên, tại văn bản số 780 ngày 17.6.2024 của Ban Quản lý Khu kinh tế về việc điều chỉnh Dự án thì lại nhận định khác: “Việc điều chỉnh tiến độ của Dự án quá 24 tháng so với tiến độ thực hiện Dự án đầu tư quy định tại văn bản Quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư lần đầu và lý do điều chỉnh tiến độ thực hiện Dự án nêu trên thuộc trường hợp để khắc phục hậu quả trong trường hợp bất khả kháng theo quy định của pháp luật về dân sự và pháp luật về đất đai”.
Như vậy, việc này thể hiện sự bất nhất trong ý kiến, nhận định của các cơ quan có thẩm quyền, trong khi tại các văn bản trước đó đã khẳng định việc Dự án không thuộc trường hợp quy định điều chỉnh tiến độ thực hiện dự án của Luật Đầu tư mà phải chấm dứt Dự án, nhưng ngay tại văn bản sau đó lại thay đổi cho phép Dự án được điều chỉnh tiến độ thực hiện.
Mặt khác, các nội dung trong các văn bản của Ban Quản lý Khu kinh tế đang ghi nhận các nội dung, ý kiến không thống nhất của nhà đầu tư. Lúc thì Nhà đầu tư trình bày là do khó khăn về tài chính nên chưa triển khai hoàn thành theo tiến độ đã cam kết, lúc thì Nhà đầu tư lại trình bày do phải khắc phục hậu quả trong trường hợp bất khả kháng, hai lý do này là hoàn toàn khác nhau, không thống nhất.
Hơn nữa, theo ý kiến của Luật sư Đoàn Trọng Bằng thì vấn đề thiếu vốn, không có khả năng huy động vốn dẫn đến không có đủ năng lực triển khai Dự án thì không được xem là lý do bất khả kháng.
Theo nguồn: https://laodong.vn/kinh-doanh/quang-binh-gia-han-du-an-treo-day-tai-tieng-1384602.ldo