Càng gần đến ngày bầu cử Tổng thống Mỹ, câu chuyện thuế quan thương mại càng trở nên nóng bỏng hơn – đã được bàn thảo từ Hội nghị thượng đỉnh BRICS tại Nga cho đến hội nghị thường niên Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB) tại Mỹ.
Nhiều nhận định cho rằng, cuộc chiến thuế quan giữa hai cường quốc hàng đầu thế giới sẽ gây ra hậu quả Kinh tế đắt đỏ trên toàn thế giới. Bài toán kinh tế mang tính kinh điển, các nhà sản xuất cố gắng mua nguyên liệu đầu vào rẻ nhất và tăng giá bán tối ưu để bù cho các khoản thuế mậu dịch.
Hoạt động thương mại được thúc đẩy bởi địa chính trị trên toàn thế giới sẽ không làm thay đổi bản chất mọi quá trình kinh tế. Nhưng sẽ có thay đổi đáng kể với việc buôn bán với ai, đối tác nào? Mỹ và Trung Quốc đang giao dịch với nhau ít hơn và một số giao dịch thương mại đang được định tuyến lại thông qua bên thứ 3.
Bên thứ 3 là ai? Đó là các thị trường có đường lối ngoại giao trung lập, mềm mỏng, linh hoạt, đều là đối tác thân thiện của cả hai “chiến tuyến”. Các chuyên gia cho rằng, những quốc gia “kiểu như thế này” có cơ hội lớn để trở thành trung tâm trung chuyển thương mại toàn cầu.
Báo cáo của IMF dự báo, sản lượng sẽ thấp hơn nhiều so với dự kiến cho tất cả các quốc gia trên thế giới, sẽ có áp lực không nhỏ lên lạm phát. Tổng giám đốc IMF, bà Kristalina Georgieva, cho biết thương mại quốc tế sẽ không còn là động lực tăng trưởng như trước nữa.
Tim Adams, Tổng giám đốc điều hành của Viện Tài chính Quốc tế, cũng cảnh báo rằng, các đề xuất thuế quan từ ứng cử viên tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump sẽ làm gián đoạn con đường giảm phát và có thể dẫn đến lãi suất cao hơn.
Rõ ràng, việc tăng cường các chính sách bảo hộ không chỉ làm trầm trọng thêm căng thẳng thương mại toàn cầu và phá vỡ chuỗi cung ứng toàn cầu, mà còn có thể làm giảm triển vọng tăng trưởng trung hạn.
Nguy hiểm hơn, khi những luật lệ không đủ sức duy trì trật tự thương mại toàn cầu, sẽ thúc đẩy nhiều quốc gia, khu vực thực hiện các hành động đơn phương – đây là điểm chung của mọi cuộc chiến tranh thuế quan, thương mại.
Trong một diễn biến song song, khối BRICS ra tuyên bố chung sau Hội nghị thượng đỉnh tại Nga vừa kết thúc. Các nhà lãnh đạo BRICS tiếp tục bày tỏ mối quan ngại sâu sắc về tác động có hại của các lệnh trừng phạt đơn phương bất hợp pháp đối với nền kinh tế toàn cầu, lưu ý rằng chúng ảnh hưởng tiêu cực đến tăng trưởng kinh tế, năng lượng, an ninh lương thực và làm trầm trọng thêm tình trạng nghèo đói.
Đáng chú ý là các thành viên BRICS kêu gọi cải cách các thể chế Bretton Woods để tăng sự đóng góp của các nước đang phát triển vào nền kinh tế toàn cầu; thành lập một nền tảng đầu tư BRICS mới, nền tảng này sẽ sử dụng cơ sở hạ tầng thể chế hiện có của định chế tài chính mới để thúc đẩy dòng đầu tư vào các nước BRICS và các nước Nam bán cầu.
Các quốc gia thành viên BRICS cũng ủng hộ đề xuất của Nga về việc thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, đồng thời nói thêm rằng nền tảng giao dịch sau này có thể được mở rộng để bao gồm các lĩnh vực nông nghiệp khác.
Theo nguồn: https://diendandoanhnghiep.vn/nhieu-dau-hieu-dan-den-nen-kinh-te-dat-do-10144285.html