Cách đường ĐT611 đoạn qua xã Quế Mỹ khoảng 2km, men theo con đường bê tông nhỏ dọc theo đường cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi, nhiều người không khỏi bất ngờ khi tại khu đồi này có một vườn sim xanh mướt, sum suê quả. Đây là thành quả gầy dựng của vợ chồng ông Phan Văn Dũng sau hơn 3 năm trồng và chăm sóc loại cây rừng này.
Ông Dũng kể, sau nhiều năm khai khẩn quả đồi hoang thành khu vườn, ông luôn tìm hiểu các loại cây trồng phù hợp để mang lại hiệu quả Kinh tế. Sau nhiều năm trồng keo lá tràm, ông cải tạo khu vườn rộng hơn 2ha để trồng các loại cây ăn trái, hoa các loại. Ông nhận thấy cây sim rừng là cây gắn liền tuổi thơ của ông và rất nhiều người, là cây hoang dã mọc trên đồi, trên núi, có sức sống mãnh liệt. Hơn nữa, đọc sách báo, ông được biết thêm về dược tính, giá trị của loài cây dại này nên ông quyết định tìm hiểu về đặc tính và chọn để thay thế các loại cây không hiệu quả trong vườn.
“Cây sim rừng là loài cây bụi, dễ thích nghi với nhiều loại đất, đặc biệt là vùng đồi núi khô cằn, đất sỏi đá. Với đặc tính sinh trưởng mạnh mẽ, ít cần chăm sóc, cây sim rừng không chỉ phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng ở vùng đồi của xã Quế Mỹ (Quế Sơn) mà còn có khả năng chống chịu tốt trước sự khắc nghiệt của thời tiết.
Sim rừng cho quả nhiều, quả sim có thể được sử dụng để chế biến nhiều sản phẩm đa dạng như rượu sim, mứt sim, siro sim, nước giải khát từ sim…
Thấy được giá trị của cây sim nên tôi càng tin tưởng nếu được chăm sóc tốt, cây sim sẽ mang lại hiệu quả kinh tế. Vì thế, tôi quyết định đào những gốc sim trong rừng về trồng tại vườn nhà” – ông Dũng kể.
Năm 2020, lão nông Phan Văn Dũng bắt đầu cải tạo vườn và trồng 500 gốc sim rừng. Ông dành nhiều thời gian tìm hiểu, nghiên cứu về đặc tính, sự sinh trưởng để chăm sóc vườn sim của mình. Không phụ tâm huyết của ông Dũng, vườn sim sinh trưởng nhanh, bụi ngày càng to, nhánh càng nhiều. Cứ vào độ hè, vườn sim của ông lại nở rộ, trái sim chín mọng, tím ngắt cả một góc trời.
Ông Dũng chia sẻ, ban đầu nhiều người cho rằng ông làm vậy phí công phí của, nhưng ông vẫn tin vào lựa chọn của mình nên đổ công trồng, chăm sóc. Đến nay, hơn 500 gốc sim đã phủ kín cả khu vườn, khẳng định hướng đi đúng đắn của ông. Sau hơn 3 năm trồng, chăm sóc, vườn sim đã cho thu hoạch năm thứ 2 với sản lượng ngày càng nhiều.
[VIDEO] – Chia sẻ của ông Phan Văn Dũng về vườn sim của mình:
Theo ông Dũng, sim cho trái ổn định từ năm thứ 3, càng chăm sóc, tưới đủ nước thì cây càng sung sức, cho quả càng nhiều. Cây sim thường bắt đầu ra nụ và nở hoa vào dịp hè, sau khoảng 45 ngày cho thu hoạch quả. Thời gian thu hoạch kéo dài khoảng 2 – 3 tháng. Mỗi cây sim cho trung bình khoảng 5kg quả chín/vụ.
Năm ngoái, năm đầu tiên thu hoạch, gia đình ông thu hơn 7 tạ sim, với giá bán tươi khoảng 50 nghìn đồng/kg. Cùng với bán tươi, ông Dũng tìm hiểu cách ngâm rượu sim. Với hương vị thơm ngon, đậm đà của sim, rượu sim không chỉ là một loại thức uống đặc sản mà còn tốt cho sức khỏe, đặc biệt là hệ tiêu hóa và bảo quản được lâu. Năm nay, qua 2 đợt thu hái, gia đình ông đã thu được hơn 1,5 tấn sim.
“So với các loại cây trồng khác, cây sim mang lại hiệu quả kinh tế cao, lại cho hoa rất đẹp. Khác với các loại cây trồng khác đòi hỏi nhiều công sức và chi phí đầu tư, cây sim rừng dễ chăm sóc và ít bị sâu bệnh. Chỉ cần chăm chỉ tưới nước và thỉnh thoảng bón phân, sim phát triển khỏe mạnh và cho năng suất cao. Nhìn vườn sim vào mùa, gia đình tôi rất vui vì đã chọn hướng đi đúng cho khu vườn của mình” – ông Dũng nói.
Cùng với vườn sim và các loại cây ăn quả khác, ao cá, cảnh quan, đường đi lại được đầu tư bài bản, ông Dũng ước mơ sẽ biến nơi đây thành một điểm đến sinh thái thú vị tại địa phương, không chỉ thu hút du khách đến tham quan, trải nghiệm mà còn trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm trong phát triển kinh tế.
Theo nguồn: https://baoquangnam.vn/mang-sim-rung-ve-lam-kinh-te-vuon-o-que-my-3140922.html