Giáo sư Klaus Schwab, Chủ tịch Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) cho biết, sự phát triển kinh tế ấn tượng của Việt Nam trong vài thập kỷ qua là minh chứng cho khả năng phục hồi, sự linh hoạt và quá trình hoạch định chính sách có chiến lược của quốc gia này.
Những biến động
Là một trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất thế giới, Việt Nam đã và đang định vị mình là một nhân tố quan trọng trong thương mại và sản xuất toàn cầu. Khi bước vào kỷ nguyên trí tuệ, Việt Nam cần tiếp tục thay đổi, tận dụng công nghệ số để duy trì lợi thế cạnh tranh của mình.
Dù những tiến bộ công nghệ của kỷ nguyên trí tuệ mang lại nhiều cơ hội cho Việt Nam nhưng cũng cần phải thừa nhận những thách thức mà thời đại này đặt ra.
Khi trí tuệ nhân tạo (AI) và tự động hóa tái định hình các ngành công nghiệp, một số công việc sẽ có nguy cơ mất đi. Đối với một quốc gia có một lực lượng lao động lớn phụ thuộc vào sản xuất và nông nghiệp như Việt Nam, đây quả thực là một thách thức không hề nhỏ.
Tiến sĩ Phil Smith, giảng viên cấp cao ngành Kinh doanh quốc tế, Đại học RMIT Việt Nam nhận định, trong những năm gần đây, thế giới đang trải qua những thay đổi và gián đoạn toàn cầu sâu sắc. Những điều này đã làm mất cân bằng trong hoạt động sản xuất và vận chuyển hàng hóa đến khách hàng.
Sự thay đổi đầu tiên trong nhóm này có thể gộp lại thành các là sự gián đoạn trong chuỗi cung ứng. Chuỗi cung ứng bao gồm tất cả các công ty sản xuất nguyên liệu thô hoặc các bộ phận lắp ráp tạo ra sản phẩm, chẳng hạn xe máy hoặc điện thoại thông minh. Hàng trăm linh kiện có thể được tìm kiếm và lựa chọn từ khắp nơi trên thế giới để tạo ra những sản phẩm mà chúng ta sử dụng hằng ngày.
Các linh kiện công nghệ cao như màn hình cho điện thoại thông minh sẽ có nhiều nhà cung cấp khác nhau. Đây là lợi thế nhờ việc có được các nguyên vật liệu đầu vào tốt nhất, nhưng cũng là một vấn đề lớn nếu hệ thống phức tạp này bị gián đoạn.
Sự gián đoạn trong hệ thống sản xuất và vận chuyển cung cấp những bộ phận này sẽ làm ngưng trệ hoặc trì hoãn sản xuất.
Tương tự, chiến tranh Nga- Ukraine hiện nay cũng là một lý do gây ra sự bất ổn địa chính trị và gián đoạn thương mại. Xung đột ở khu vực Trung Đông càng làm gián đoạn thêm chuỗi cung ứng.
Ngoài ra, trong môi trường đầy biến động và đôi khi bùng nổ này, các cấu trúc quyền lực chính trị đang dần thay đổi trên toàn cầu.
Hành động của Việt Nam
Giáo sư Klaus Schwab đánh giá, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam hiện chủ yếu phụ thuộc vào các ngành công nghiệp và xuất khẩu, đặc biệt là các lĩnh vực điện tử và sản xuất, nhưng đến năm 2050, cấu trúc kinh tế và xã hội sẽ thay đổi đáng kể với sự chuyển đổi từ thời đại công nghiệp sang thời đại kỷ nguyên trí tuệ.
“Tôi đã nhìn thấy Việt Nam đã chủ động chuẩn bị cho tương lai số. Chương trình chuyển đổi số quốc gia của Chính phủ Việt Nam, với mục tiêu đưa Việt Nam vào top 50 quốc gia về chính phủ số và kinh tế số vào năm 2025, là một nền tảng quan trọng trong quá trình chuyển đổi của nước này” – Giáo sư Klaus Schwab nói.
Ngành sản xuất của Việt Nam, đặc biệt trong lĩnh vực điện tử, dệt may và ô tô, là động lực chính đằng sau sự phát triển kinh tế của nước này. Kỷ nguyên trí tuệ, với đặc trưng là AI và tự động hóa, sẽ cách mạng các quy trình sản xuất, nâng cao hiệu quả và giảm chi phí. Tuy nhiên, điều này cũng mang đến thách thức mất việc làm, đặc biệt là đối với lao động tay nghề thấp.
Chính phủ Việt Nam đã nhận ra thách thức này và đang ưu tiên phát triển lực lượng lao động. Thông qua các sáng kiến như Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia, quan hệ đối tác với khu vực tư nhân và các chương trình như mục tiêu đào tạo 50.000 kỹ sư bán dẫn của Bộ Kế hoạch và Đầu tư đến năm 2030, Việt Nam đang tập trung nâng cao và tái đào tạo lực lượng lao động để đảm bảo nguồn nhân sự sẵn sàng cho các công việc mới, đòi hỏi kỹ năng vận dụng công nghệ cao.
Giáo sư Klaus Schwab nhận định, kỷ nguyên trí tuệ mang lại cho Việt Nam cơ hội dẫn đầu trong phát triển bền vững. Việt Nam đã có những cam kết mạnh mẽ trong chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh. Và công nghệ số có thể giúp Việt Nam đạt được các mục tiêu về phát triển bền vững.
Đổi mới trong năng lượng tái tạo, nông nghiệp thông minh và phương tiện giao thông điện sẽ đóng vai trò quan trọng trong quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế phát thải carbon thấp của Việt Nam.
Bằng cách đón nhận công nghệ xanh, Việt Nam không chỉ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế mà còn định vị mình là một quốc gia tiên phong trong việc giải quyết các thách thức toàn cầu về biến đổi khí hậu.
Theo tiến sĩ Phil Smith, đứng trước những vấn đề phức tạp, đa chiều như trên, để giải quyết những thách thức này, Chính phủ Việt Nam có thể ưu tiên một số đề án chiến lược sau.
Đầu tiên, mỗi vấn đề cần được nghiên cứu sâu bằng cách thành lập hoặc mở rộng các “Tổ tư vấn kinh tế”, bao gồm các nhóm chuyên gia kinh tế có nhiệm vụ tư vấn cho chính phủ về các giải pháp phát triển kinh tế.
Chính phủ cũng có thể tạo điều kiện thuận lợi cho các quy trình xúc tiến thương mại bằng cách đơn giản hóa thủ tục hải quan và cảng biển thông qua việc ứng dụng công nghệ số.
Thứ hai, cần đầu tư vào phát triển cơ sở hạ tầng, hiện đại hóa các cảng biển và trung tâm vận chuyển, cũng như cải thiện hệ thống đường bộ và đường sắt để nâng cao hiệu quả và giảm chi phí logistics. Các nhân viên được đào tạo bài bản là yếu tố hết sức quan trọng để hỗ trợ nhu cầu ngày càng tăng của ngành và thương mại.
Vai trò của Chính phủ là mở rộng giáo dục đại học và đào tạo nghề theo dự báo nhu cầu nhân sự cho doanh nghiệp. Mặc dù phải đối mặt với không ít thử thách, Việt Nam vẫn hứa hẹn có một tương lai tươi sáng.
“Trong bối kinh tế toàn cầu còn nhiều thách thức, các doanh nghiệp Việt Nam cũng nên cẩn trọng trong việc vay nợ quá nhiều trong bối cảnh lạm phát với giá cả và lãi suất tăng cao. Tuy nhiên, giữa những lo ngại tiêu cực nêu trên, những tiến bộ đáng kể trong công nghệ thông tin hứa hẹn sẽ giảm chi phí sản xuất và vận tải.
Các cải tiến trong lĩnh vực robot, trí tuệ nhân tạo (AI), công nghệ blockchain để bảo mật và chia sẻ thông tin, cùng với phân tích dữ liệu lớn đều góp phần tạo ra năng suất cao, môi trường ít sai sót và chi phí sản xuất thấp” – tiến sĩ Phil Smith khuyến nghị.
Để vươn lên vị thế cao, Việt Nam cần tiếp tục đầu tư mạnh cho giáo dục
Hệ thống giáo dục của Việt Nam từ lâu đã là một điểm mạnh, đặc biệt trong các lĩnh vực khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học (STEM). Tuy nhiên, để tham gia toàn diện vào kỷ nguyên trí tuệ, Việt Nam cần tiếp tục đầu tư vào hệ thống giáo dục của mình, đảm bảo học sinh được trang bị những kỹ năng của tương lai, bao gồm tư duy phản biện, tư duy sáng tạo và kỹ năng số.
Chiến lược quốc gia về giáo dục đến năm 2030 đặt mục tiêu hiện đại hóa hệ thống giáo dục của Việt Nam để đáp ứng những yêu cầu này. Ngoài ra, hợp tác với các công ty tư nhân trong các lĩnh vực như công nghệ giáo dục (edtech) có thể giúp đẩy nhanh quá trình phát triển các kỹ năng chuẩn bị cho tương lai.
Hành trình bước vào kỷ nguyên trí tuệ của Việt Nam không thể được thực hiện một cách đơn lẻ. Sự hợp tác, cả trong ASEAN và toàn cầu, sẽ là điều thiết yếu để Việt Nam có thể phát huy hết tiềm năng của mình.
Trên sân khấu toàn cầu, Việt Nam ngày càng định vị mình là một quốc gia đi đầu trong hợp tác đa phương. Bằng cách tham gia các tổ chức quốc tế như Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và Liên Hợp Quốc, Việt Nam có thể đóng góp vào việc định hình các tiêu chuẩn toàn cầu về quản trị dữ liệu, thương mại số, và đạo đức AI.
Hơn nữa, quan hệ đối tác với các công ty công nghệ và các startup toàn cầu có thể giúp thúc đẩy quá trình chuyển đổi số của Việt Nam đồng thời tạo điều kiện trao đổi kiến thức và đổi mới sáng tạo.
Giáo sư Klaus Schwab
Theo nguồn: https://plo.vn/kinh-te-toan-cau-bat-on-viet-nam-can-hanh-dong-ra-sao-post816387.html