Kinh tế Israel oằn mình dưới gánh nặng xung đột

Kinh te Israel oan minh duoi ganh nang xung dot jpg

Gần một năm chiến sự ở Dải Gaza đã gây tổn thương nặng cho nền Kinh tế Israel, đẩy nhiều cộng đồng cư dân vào nguy cơ đói nghèo.

Phong trào biểu tình phản đối chính sách cải cách tư pháp gây tranh cãi của Thủ tướng Benjamin Netanyahu đã làm suy yếu nền kinh tế Israel, trước khi Hamas phát động cuộc tấn công gây hậu quả nghiêm trọng nhất lịch sử Israel ngày 7/10/2023. Chiến dịch trả đũa nhằm vào Dải Gaza sau đó càng đặt gánh nặng lên kinh tế quốc gia Trung Đông.

“Nền kinh tế Israel từng rất vững chãi, nhưng đang lung lay trước xung đột kéo dài quá lâu”, nhà kinh tế Jacques Bendelac, giáo sư danh dự tại Đại học Hebrew của Israel, nhận định, đồng thời cảnh báo nguy cơ khủng hoảng và suy thoái nếu chiến sự tiếp diễn.

Kinh tế Israel ghi nhận mức giảm 21% GDP trong quý IV năm 2023, phục hồi 14% trong ba tháng đầu năm 2024 và tăng trưởng chậm ở mức 0,7% trong quý II.





Eli Cohen, CEO của tổ chức Pitchon Lev, nói về tình hình cứu trợ lương thực ở Israel tại Rishon Lezion, miền trung Israel, ngày 21/8. Ảnh: AFP

CEO của tổ chức từ thiện Pitchon Lev tại Rishon Lezion, miền trung Israel, ngày 21/8. Ảnh: AFP

Ba cơ quan xếp hạng tín nhiệm lớn trên thế giới đã hạ bậc xếp hạng nợ của Israel. Fitch hồi tháng 8 dự đoán xung đột ở Dải Gaza có thể kéo dài tới năm 2025. “Có nguy cơ xung đột sẽ lan sang mặt trận khác”, tổ chức này dự đoán.

Trọng tâm xung đột gần đây chuyển sang biên giới miền bắc Israel giáp với Lebanon, khi giao tranh với nhóm vũ trang Hezbollah ngày một tăng nhiệt.

Xếp hạng tín dụng của Israel vẫn ở mức cao, nhưng giới chức nước này vẫn chỉ trích động thái của các tổ chức xếp hạng. Thủ tướng Netanyahu khẳng định nền kinh tế “ổn định và vững chắc”, tuyên bố tình hình sẽ cải thiện khi giao tranh kết thúc.

Hai động lực tăng trưởng chính của Israel hiện nay là công nghệ, lĩnh vực ít bị ảnh hưởng, và công nghiệp quốc phòng, lĩnh vực có lợi nhờ xung đột. Tuy nhiên, các động lực kinh tế còn lại như Du lịch, xây dựng và nông nghiệp “đang lần lượt chết dần”, theo Bendelac.

Kav LaOved, tổ chức bảo vệ quyền của người lao động Israel, cho biết nước này đã ngừng cấp giấy phép lao động cho người Palestine sau vụ tấn công ngày 7/10/2023, dẫn tới tình trạng thiếu hụt lao động trong nước.

Trước xung đột, Israel cấp khoảng 100.000 giấy phép cho lao động Palestine trong các ngành xây dựng, nông nghiệp và công nghiệp, song song với hàng chục nghìn người Palestine lao động chui ở Israel. Kav LaOved cho hay hiện chỉ có 8.000 lao động Palestine vẫn được phép làm việc trong các nhà máy thuộc lĩnh vực thiết yếu.

Trung tâm kinh tế Tel Aviv ngổn ngang công trình xây dựng dang dở, với các tòa nhà chọc trời và dự án giao thông mới hoàn thành một phần. Du lịch cũng giảm mạnh bởi chiến sự khiến những người tới Israel nghỉ mát hoặc hành hương phải thay đổi lịch trình.

Từ tháng 1 tới tháng 7, Israel đón 500.000 khách du lịch, bằng 1/4 so với cùng kỳ năm ngoái, theo Bộ Du lịch Israel. Hilik Wald, 47 tuổi, phải bỏ công việc hướng dẫn viên du lịch ở Jerusalem vì không có khách. Nghề này từng đem lại hơn 4.700 USD mỗi tháng cho Wald.

Wald bây giờ làm nhân viên bán thời gian tại quầy thông tin ga xe lửa. Người bố hai con từng nhận hỗ trợ của chính phủ trong gần 6 tháng, nhưng hiện đã hết điều kiện nhận tiền. “Tôi hy vọng xung đột sớm kết thúc”, Wald nói.

“20 năm qua, Israel phát triển nhờ chi tiêu bằng tín dụng. Trong khủng hoảng, nhiều hộ gia đình không còn khả năng chi trả khoản vay”, giáo sư Bendelac cho hay.

Giới chuyên gia cảnh báo rằng chi phí sinh hoạt cao kết hợp suy thoái kinh tế sẽ dẫn tới gia tăng đói nghèo. Các tổ chức nhân đạo ở Israel cho hay nhu cầu đối với các dịch vụ nhân đạo đang tăng lên, nhiều người mới xuất hiện tại các điểm nhận thực phẩm cứu trợ.





Tình nguyện viên Pitchvon Lev phân phát thực phẩm cho người dân Isarel trong tầng hầm đỗ xe một trung tâm thương mại ở Rishon Lezion ngày 21/8. Ảnh: AFP

Tình nguyện viên phân phát thực phẩm cho người dân Isarel ở Rishon Lezion ngày 21/8. Ảnh: AFP

Tại bãi đỗ xe của một trung tâm thương mại ở Rishon Lezion, thành phố ven biển miền trung Israel, tổ chức phi chính phủ Pitchon Lev (Mở rộng tấm lòng) đang cung cấp miễn phí giỏ hàng gồm trái cây, rau củ và thịt hai lần một tuần.

“Từ khi giao tranh bắt đầu, chúng tôi đã tăng cường hoạt động lên gấp đôi”, Eli Cohen, người sáng lập tổ chức, cho hay.

Pitchon Lev đã hỗ trợ gần 200.000 hộ gia đình Israel. “Những người mới đến nhận hỗ trợ là thanh niên, các hộ gia đình có chồng là quân nhân dự bị, nhiều người thậm chí từng là nhà tài trợ, cũng như tất cả người phải sơ tán”, Cohen nói.

Giáo sư Bendelac đánh giá triển vọng phục hồi kinh tế của Israel sẽ “khởi động mạnh mẽ trở lại” khi chiến sự kết thúc, nhưng lưu ý rằng quá trình khởi động sẽ “càng chậm và khó khăn hơn” nếu chiến sự kéo dài.

Hồng Hạnh (Theo AFP)


Theo nguồn: https://vnexpress.net/kinh-te-israel-oan-minh-duoi-ganh-nang-xung-dot-4796374.html

laptop gia re crop 1725203121033 Previous post Những laptop “giá mềm” trang bị ổ cứng SSD siêu tốc đáng chú ý
90d96d95dfda36846fcb Next post Cứu trợ phải đúng địa chỉ, hiệu quả, tránh lãng phí

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *