Các chỉ tiêu về Du lịch phát triển ổn định
Ngày 29/10, UBND tỉnh Lâm Đồng tổ chức hội nghị sơ kết hai năm thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TU ngày 25/7/2022 (Nghị quyết số 18) của Tỉnh ủy Lâm Đồng về việc phát triển du lịch chất lượng cao đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh.
Theo ông Phạm S – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng, Nghị quyết số 18 của Tỉnh ủy đã đề ra 7 nhóm nhiệm vụ giải pháp với 25 nội dung trọng tâm, giúp chuyển hóa việc nâng cao nhận thức về du lịch thành hành động cụ thể, huy động ngày càng nhiều nguồn lực tham gia khai thác tiềm năng và lợi thế để phát triển du lịch của tỉnh theo hướng chất lượng cao và bền vững.
Sau hai năm thực hiện, các chỉ tiêu về du lịch của Lâm Đồng phát triển ổn định nhờ triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp về quy hoạch; thu hút đầu tư, phát triển sản phẩm dịch vụ du lịch; chú trọng đào tạo nguồn nhân lực, nâng cao chất lượng dịch vụ phục vụ và tăng cường công tác quảng bá xúc tiến để thu hút khách đến với địa phương.
Giai đoạn 2022 – 2024, lượt khách du lịch đến Lâm Đồng tăng đều mỗi năm với bình quân 65,9%; tổng lượng khách do các cơ sở lưu trú trên địa bàn tỉnh phục vụ tăng trưởng bình quân 58,4% (vượt 48,4% chỉ tiêu đề ra tại Nghị quyết đến năm 2025 là tăng bình quân 9-10%/năm); khách quốc tế chiếm 5,8% tổng lượng khách qua lưu trú.
Hết tháng 7/2024, Lâm Đồng có 4.882 phòng đạt chuẩn cao cấp, chiếm 12,1% tổng số phòng của hệ thống cơ sở lưu trú du lịch và 36,8% tổng số phòng đạt chuẩn 1-5 sao trên địa bàn tỉnh.
Lâm Đồng cũng thu hút được khoảng 14.000 lao động trực tiếp làm việc tại các doanh nghiệp du lịch, dịch vụ du lịch; trong đó có khoảng 84% lao động trực tiếp thông qua đào tạo, bồi dưỡng về nghiệp vụ du lịch và ngoại ngữ. Đây là 2 chỉ tiêu tiệm cận với chỉ tiêu Nghị quyết số 18 đề ra đến năm 2025.
Các định hướng, quy hoạch phát triển du lịch theo hướng chất lượng cao và bền vững cũng đạt nhiều kết quả khả quan. Lâm Đồng đã tập trung phát triển du lịch thông minh, đưa vào hoạt động chính thức cổng thông tin (Dalat.vn) và ứng dụng “Du lịch thông minh” trên các thiết bị di động giúp du khách thực hiện một chương trình du lịch “hoàn toàn qua hệ thống internet”. Đồng thời duy trì Internet WiFi công cộng tại một số điểm tại Đà Lạt, đáp ứng nhu cầu của du khách khi đến tham quan nghỉ dưỡng.
Cùng với đó, triển khai mô hình điểm “Phát triển du lịch, gắn với phát triển đặc sản vùng miền hỗ trợ người dân ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh xác thực điện tử trong phát triển kinh tế hộ gia đình, kinh tế số” thuộc Đề án 06 của Chính phủ; Triển khai thí điểm một số mô hình kinh tế đêm trên địa bàn TP. Đà Lạt nhằm phát huy tiềm năng, thế mạnh, đa dạng hóa các sản phẩm dịch vụ phục vụ khách du lịch và người dân; Hình thành và đưa vào khai thác các tuyến du lịch nội vùng và liên kết vùng để đưa vào phục vụ nhu cầu tham quan trải nghiệm của du khách.
Đạt được kết quả tích cực nêu trên, lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng khẳng định nhờ sự quan tâm chỉ đạo của các cấp, các ngành từ Trung ương tới địa phương, sự nỗ lực đầu tư kinh doanh của các doanh nghiệp du lịch và toàn xã hội, bên cạnh các thuận lợi về vị trí địa lý và điều kiện tự nhiên.
Sớm đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn
Để đạt các chỉ tiêu đến năm 2030 theo Nghị quyết số 18, tỉnh Lâm Đồng đề ra 4 nhiệm vụ với các giải pháp, tập trung thực hiện định hướng quy hoạch phát triển du lịch theo hướng chất lượng cao và bền vững.
Cụ thể, tiếp tục tham mưu triển khai thực hiện có hiệu quả các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển du lịch phù hợp với quy hoạch phát triển của cả nước và tỉnh Lâm Đồng. Xây dựng và phát triển thương hiệu du lịch của tỉnh; xây dựng Đà Lạt – Lâm Đồng là địa phương có môi trường tự nhiên xanh, đẹp, môi trường xã hội an toàn, thân thiện, hấp dẫn. Triển khai thực hiện hiệu quả đề án “Xây dựng thành phố Đà Lạt trở thành thành phố thông minh giai đoạn 2018-2025”.
Đồng thời đẩy nhanh ứng dụng chuyển đổi số ngành du lịch tỉnh Lâm Đồng thông qua việc ứng dụng công nghệ thông tin – viễn thông và các phương tiện khác để nâng cao chất lượng cuộc sống, cải thiện hiệu quả hoạt động của chính quyền, thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội toàn diện và bền vững, nâng cao năng lực cạnh tranh. Đẩy mạnh liên kết phát triển du lịch với các tỉnh vùng duyên hải Trung bộ, Đông Nam bộ trên cơ sở đầu tư hoàn thiện hệ thống giao thông đường bộ, đường hàng không để tăng cường tính liên kết trong nội vùng, trong nước và quốc tế; tăng cường tần suất các chuyến bay nội địa đến các địa bàn du lịch trọng điểm và xúc tiến mở mới các đường bay quốc tế phục vụ khách du lịch.
Cùng với đó, nâng cao vai trò, trách nhiệm của chính quyền địa phương các cấp trong công tác phối hợp triển khai thực hiện các chính sách về phát triển du lịch dịch vụ. Tiếp tục kiện toàn bộ máy quản lý nhà nước về du lịch bảo đảm đồng bộ, hiệu lực, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phạm S nhấn mạnh: Dưới sự lãnh đạo của Tỉnh uỷ, UBND tỉnh, sự phối hợp chặt chẽ giữa các sở ban ngành và địa phương; sự ủng hộ của nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp; trên cơ sở khai thác các thế mạnh về phát triển du lịch cùng với các chính sách, giải pháp phát triển du lịch đã được địa phương triển khai, Lâm Đồng quyết tâm phát triển du lịch theo hướng chất lượng cao, bền vững và sớm trở thành ngành kinh tế mũi nhọn./.
Theo Nghị quyết số 18 của Tỉnh ủy Lâm Đồng, định hướng đến năm 2030, phấn đấu chỉ tiêu lượng khách du lịch qua đăng ký lưu trú tăng bình quân 11 – 12%/năm; trong đó khách quốc tế chiếm 15% tổng lượng khách qua lưu trú, ngày lưu trú bình quân của du khách đạt từ 2,7 ngày trở lên.
Hoàn thành đầu tư và đưa vào khai thác các công trình du lịch trọng điểm: Khu du lịch Đankia – Suối Vàng, Khu du lịch hồ Prenn, Khu du lịch núi Sa Pung và một số dự án du lịch lớn thu hút đầu tư trong giai đoạn 2022 – 2025.
Tiếp tục phát triển hệ thống cơ sở lưu trú du lịch cao cấp (đạt chuẩn 3 – 5 sao). Phấn đấu đến năm 2030 số phòng đạt chuẩn cao cấp đạt khoảng 15.000 phòng chiếm trên 35% trong tổng số phòng của hệ thống cơ sở lưu trú du lịch và trên 50% trong tổng số phòng đạt chuẩn 1 – 5 sao trên địa bàn tỉnh.
Thu hút trên 20.000 lao động trực tiếp làm việc tại các doanh nghiệp du lịch, dịch vụ du lịch; trong đó có 90% lao động trực tiếp thông qua đào tạo, bồi dưỡng về nghiệp vụ du lịch và ngoại ngữ.
Theo nguồn: https://toquoc.vn/hai-nam-phat-trien-du-lich-theo-huong-chat-luong-cao-cua-lam-dong-20241029124426309.htm