(QBĐT) – Trước thực trạng nhiều diện tích đất rừng (ĐR), đất lâm nghiệp (ĐLN) bị xâm lấn trái phép gây bất bình trong nhân dân, ảnh hưởng lớn đến công tác quản lý, bảo vệ rừng, UBND tỉnh Quảng Bình đã ban hành Chỉ thị số 03/CT-UBND, ngày 19/3/2019 về việc tăng cường thực hiện các biện pháp quản lý rừng, quản lý ĐLN và phòng cháy, chữa cháy rừng trên địa bàn tỉnh (gọi tắt là Chỉ thị số 03) để từng bước thu hồi lại những diện tích nói trên. Tuy nhiên, qua hơn 4 năm triển khai thực hiện, công tác thu hồi lại những diện tích ĐR, ĐLN bị xâm lấn trái phép vẫn đang gặp phải nhiều khó khăn, trở ngại…
Nhiều diện tích đất rừng, đất lâm nghiệp bị xâm lấn trái phép
Theo số liệu từ Chi cục Kiểm lâm tỉnh, đến hết tháng 9/2024, tổng diện tích rừng bị phá và ĐLN bị lấn chiếm trong toàn tỉnh là hơn 15,2 nghìn ha (trong đó có 6,7 nghìn ha rừng tự nhiên). Cụ thể, tổng diện tích ĐR, ĐLN toàn tỉnh bị “chảy máu” tại các huyện như sau: Minh Hóa 7,2 nghìn ha, Tuyên Hóa trên 3,7 nghìn ha, Bố Trạch hơn 891ha, Lệ Thủy trên 1 nghìn ha…
Tại thời điểm này, Chi cục Kiểm lâm tỉnh đang đốc thúc các địa phương, chủ rừng tiếp tục cập nhật, báo cáo chính xác về diện tích rừng bị phá, ĐLN bị lấn chiếm, số vụ vi phạm về lâm luật đã được xử lý theo tinh thần Chỉ thị số 03 gửi về chi cục trước ngày 15/10.
Huyện Minh Hóa hiện có tổng diện tích tự nhiên trên 139,3 nghìn ha; trong đó diện tích rừng và ĐLN trên 127.686ha, chiếm 91,61% tổng diện tích tự nhiên. Đây là địa phương có tổng diện tích ĐR, ĐLN bị…”chảy máu” lớn nhất tỉnh. Kết quả rà soát, thống kê, tổng hợp của UBND huyện Minh Hóa đến hết quý I/2024 cho thấy, toàn huyện có trên 7.247ha rừng đã bị phá, ĐLN bị lấn, chiếm trái pháp luật; trong đó, rừng tự nhiên gần 4.275ha, đất trống không có cây gỗ tái sinh gần 1.800ha, đất trống có cây gỗ tái sinh hơn 1.181ha.
|
Những nguyên nhân chủ yếu dẫn đến ĐR và ĐLN bị xâm lấn trái phép đã được các cơ quan chức năng, địa phương, chủ rừng trong tỉnh thẳng thắn thừa nhận, trước hết là do sự quản lý lỏng lẻo của một số địa phương, chủ rừng được giao quản lý rừng, ĐLN nên tình trạng phá rừng vẫn diễn ra trong suốt một quãng thời gian khá dài nhưng không được ngăn chặn hiệu quả, triệt để. Việc ĐR và ĐLN bị xâm lấn chủ yếu xảy ra tại các xã có diện tích rừng tự nhiên gần với khu vực sinh sống của người dân hoặc do người dân thiếu việc làm, thiếu đất sản xuất nên đã tự ý phá rừng, lấn, chiếm ĐLN trái pháp luật. Do sự hiểu biết, nhận thức của một bộ phận người đồng bào dân tộc thiểu số còn hạn chế, đời sống còn gặp nhiều khó khăn, sống phụ thuộc chủ yếu vào rừng, tập quán canh tác nương rẫy chưa xóa bỏ được nên xâm lấn ĐR và ĐLN trái phép để mưu sinh.
Ngoài ra, nhu cầu trồng rừng kinh tế của hộ gia đình tại các xã, thị trấn ngày càng lớn, ý thức chấp hành pháp luật chưa cao cũng dẫn tới việc xâm lấn ĐR và ĐLN trái phép trong suốt một thời gian dài…
Gian nan thu hồi
Thực tiễn cho thấy, sau hơn 4 năm thực hiện Chỉ thị số 03, tình trạng phá rừng, lấn, chiếm ĐLN trái pháp luật trên địa bàn tỉnh cơ bản được khống chế, ngăn chặn, không để phát sinh thêm trên diện rộng. Hầu hết các vụ xâm lấn ĐR và ĐLN trái phép đều được cơ quan chức năng, chủ rừng phát hiện kịp thời và phối hợp xử lý đúng quy định. Số vụ phá rừng tự nhiên, lấn, chiếm ĐLN để trồng rừng và tự ý chuyển đổi mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác trái quy định của pháp luật đã giảm hẳn so với trước đây cả về số vụ và mức độ thiệt hại.
“Hiện nay, một số diện tích ĐR và ĐLN tại địa bàn quản lý của chúng tôi đang bị lấn chiếm để làm lăng mộ nên rất khó xử lý; một số trường hợp vi phạm không xác định được đối tượng do chủ rừng đi khỏi địa phương hoặc đã mất; hầu hết trên các diện tích vi phạm đều đã trồng rừng từ 2-3 vụ cây lâm nghiệp (trồng keo, bạch đàn…) khiến việc xử lý gặp nhiều khó khăn… Tuy nhiên, quan điểm tham mưu của chúng tôi đối với các ngành chức năng ở huyện là, nhất quyết không “hợp thức hóa” quyền sử dụng đất đối với những trường hợp phá rừng, lấn chiếm ĐLN trái phép”, lãnh đạo một hạt Kiểm lâm huyện chia sẻ thêm. |
Tuy nhiên, báo cáo gần đây nhất của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) cũng cho biết, hiện toàn tỉnh có 6/7 địa phương đã phê duyệt phương án xử lý về phá rừng và lấn chiếm ĐLN theo tinh thần Chỉ thị số 03 (huyện Lệ Thủy chưa phê duyệt phương án). Đến nay, các cơ quan chức năng đã tham mưu UBND các huyện, thị xã xử lý 404 vụ vi phạm về phá rừng (với diện tích rừng 392,58ha), xử lý 465 vụ vi phạm về lấn, chiếm ĐLN (với diện tích 3.953,85ha). Nhìn chung, tiến độ xử lý lấn chiếm ĐLN của các địa phương vẫn còn chậm, số diện tích đã xử lý còn thấp (4.436,43/15.286,43ha, chiếm tỷ lệ 28,4%). Một số huyện, thị xã dù đã xây dựng phương án xử lý, nhưng còn bộc lộ bất cập, chưa phù hợp với tình hình thực tế của địa phương.
Theo Sở NN-PTNT, việc xử lý vi phạm liên quan đến rừng và ĐLN theo Chỉ thị số 03 hiện đang gặp phải những khó khăn, vướng mắc, như: Diện tích rừng bị phá, ĐLN bị lấn, chiếm trái pháp luật trên địa bàn lớn (Minh Hóa, Tuyên Hóa, Lệ Thủy), đòi hỏi phải tập trung nhiều lực lượng liên quan và cần sự hỗ trợ của máy móc, thiết bị, dụng cụ và kinh phí để thực hiện; hầu hết các địa phương đang gặp khó khăn về ngân sách để bố trí kinh phí thực hiện lập hồ sơ xử lý các vụ vi phạm về phá rừng, lấn chiếm ĐLN.
Nguyên nhân nữa là do hồ sơ giao ĐLN và hiện trạng sử dụng rừng không rõ ràng, có sự sai lệch ranh giới giữa các chủ rừng và chủ yếu được phân chia cơ học theo bản đồ; tình trạng phá, lấn, chiếm giữa các chủ rừng hoặc chủ rừng không biết rừng của mình bị phá, lấn chiếm còn phổ biến, do đó, rất khó khăn trong việc lập hồ sơ xử lý vi phạm. Ngoài ra, do không có hoặc không lưu đầy đủ hồ sơ nên rất khó khăn cho việc điều tra, xác minh, lập hồ sơ để xử lý theo quy định của pháp luật; việc phá rừng, lấn chiếm ĐLN đã xảy ra từ lâu và trong thời gian dài; một số văn bản quy phạm pháp luật thay đổi, chồng chéo nên việc xử lý gặp nhiều khó khăn, vướng mắc…
Văn Minh
Theo nguồn: https://www.baoquangbinh.vn/kinh-te/202410/gian-nan-thu-hoi-dat-rung-bi-xam-lan-2221492/