(QBĐT) – Thực hiện cuộc vận động (CVĐ)”Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, huyện Quảng Trạch đã làm tốt công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, thói quen của người tiêu dùng về lợi ích của hàng Việt Nam. Qua đó, hỗ trợ các doanh nghiệp (DN), hợp tác xã (HTX), cơ sở sản xuất (CSSX) đầu tư cải tiến kỹ thuật, nâng cao chất lượng hàng hóa, dịch vụ, từng bước tạo uy tín, thương hiệu, đưa hàng hóa sản xuất trong nước chiếm lĩnh thị trường.
Để CVĐ đi vào chiều sâu và ngày càng hiệu quả, UBND huyện Quảng Trạch đã triển khai, hướng dẫn các cơ quan, đơn vị và địa phương tuyên truyền sâu rộng đến cán bộ, công chức, viên chức, các tầng lớp nhân dân về mục đích, ý nghĩa của CVĐ. Hàng năm, huyện đều ban hành văn bản tổ chức Ngày quyền của người tiêu dùng Việt Nam, thông qua đó tuyên truyền về quyền và nghĩa vụ của người tiêu dùng, DN, vận động người tiêu dùng và DN nói không với hàng nhái, hàng giả, hàng không nhãn mác, xuất xứ hoặc hàng hóa có nhãn mác, xuất xứ không rõ ràng…; vận động các DN ưu tiên chọn hàng hóa có xuất xứ Việt Nam để trưng bày, bán tại cửa hàng, siêu thị, shop và các đại lý…
Bên cạnh công tác tuyên truyền, các hoạt động hỗ trợ sản xuất, định hướng tiêu dùng, hỗ trợ các DN trong xúc tiến thương mại, chấn chỉnh các hoạt động quản lý thị trường…, cũng được huyện Quảng Trạch triển khai đồng bộ, hiệu quả. Năm 2023, huyện đã hỗ trợ 3 đơn vị sản xuất tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn với kinh phí hỗ trợ 100 triệu đồng/cơ sở, gồm: CSSX nông sản Thái Nghiêm (xã Quảng Thanh), CSSX kinh doanh rượu Kiều Cát (Quảng Xuân), cơ sở may mặc xã Quảng Phú. Ngoài ra, thông qua chương trình chuỗi sản xuất nông nghiệp, huyện đã hỗ trợ cho nhiều mô hình sản xuất về chăn nuôi, trồng trọt, chế biến thủy sản…
|
Việc phát triển, mở rộng hệ thống phân phối hàng Việt Nam, hàng sản xuất trong huyện, nhất là các sản phẩm OCOP, hàng công nghiệp nông thôn tiêu biểu, hàng đặc sản của địa phương cũng được huyện quan tâm. Đến nay, toàn huyện có 16 sản phẩm được chứng nhận sản phẩm OCOP, trong đó có 3 sản phẩm đạt 4 sao và 13 sản phẩm 3 sao. Bên cạnh việc hỗ trợ các giấy tờ, thủ tục tham gia sản phẩm OCOP, đối với mỗi sản phẩm được công nhận OCOP, huyện Quảng Trạch sẽ hỗ trợ 15 triệu đồng, đồng thời được giới thiệu tham gia xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường tiêu thụ.
Trong công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường và bảo vệ người tiêu dùng, UBND huyện đã chỉ đạo cho các phòng, ban, cơ quan chức năng, nhất là đội quản lý thị trường, Công an, Phòng Văn hóa-Thông tin đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền; tăng cường quản lý nhà nước về các hoạt động sản xuất, kinh doanh, thương mại, dịch vụ nhằm chống sản xuất, mua bán hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng; kiểm tra việc bán theo giá niêm yết, góp phần ổn định giá cả các mặt hàng thiết yếu tạo tâm lý yên tâm cho người tiêu dùng.
Qua công tác phối hợp thanh tra, kiểm tra, huyện kịp thời xử lý các hành vi vi phạm về đăng ký kinh doanh, hàng nhái, hàng giả, hàng kém chất lượng, không bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm; đồng thời tạo niềm tin đối với người tiêu dùng khi lựa chọn sử dụng sản phẩm sản xuất trong nước.
Để tạo chỗ đứng vững chắc ở thị trường trong nước, bên cạnh sự vào cuộc của các cơ quan chức năng, các DN Việt cần đẩy mạnh đầu tư vào nghiên cứu và phát triển, đổi mới công nghệ và cải tiến quy trình sản xuất theo xu hướng kinh tế tuần hoàn, hữu cơ; đa dạng hình thức và mẫu mã, không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm; chú trọng xây dựng và bảo vệ thương hiệu, tìm kiếm kênh phân phối hiệu quả. |
Chủ tịch Ủy ban MTTQVN huyện Quảng Trạch Nguyễn Thị Ngọc Thủy cho biết: Các hoạt động tuyên truyền về CVĐ “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đã từng bước làm thay đổi thói quen tiêu dùng của người dân; các DN ý thức được vai trò, trách nhiệm của mình đối với lợi ích người tiêu dùng để tạo ra những sản phẩm hàng hóa chất lượng với giá cả hợp lý, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng. Qua đó, góp phần thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, tạo điều kiện đưa hàng hóa sản xuất trong nước chất lượng cao đến tay người tiêu dùng. Tuy nhiên, việc thực hiện CVĐ trên địa bàn huyện còn một số hạn chế, ở một số địa phương còn mang tính hình thức, chưa gắn kết chặt chẽ giữa các ban, ngành, địa phương, DN, người tiêu dùng; các chương trình khuyến mãi, giới thiệu sản phẩm về nông thôn, vùng sâu, vùng xa còn nhiều bất cập về quản lý, xử lý hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, làm ảnh hưởng đến lợi ích của người tiêu dùng…
Thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền và tổ chức thực hiện tốt CVĐ trong các cấp, các ngành, các tổ chức, cơ quan, DN và các tầng lớp nhân dân; vận động người dân không sử dụng hàng giả, hàng kém chất lượng, không rõ nguồn gốc; tích cực tham gia đấu tranh chống hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng. Huyện sẽ tranh thủ sự chỉ đạo của các sở, ngành cấp tỉnh, phối hợp với các thành viên trong ban chỉ đạo và các địa phương trong xây dựng kế hoạch và triển khai thực hiện, tăng cường phối hợp các ngành, DN, HTX, tổ chức trong và ngoài huyện tổ chức các hội chợ, thường xuyên đưa hàng Việt về nông thôn, vùng sâu, vùng xa để phục vụ nhân dân; khuyến khích các DN đầu tư đổi mới trang thiết bị kỹ thuật, sản xuất các mặt hàng chất lượng cao, mẫu mã đa dạng và giá cả hợp lý, phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng…
T.Hoa
Theo nguồn: https://www.baoquangbinh.vn/kinh-te/202411/dua-hang-hoa-viet-den-tay-nguoi-tieu-dung-2222120/