Dự báo CPI tháng 10 tăng 0,3%
Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại (Bộ Công Thương) dự báo chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 10/2024 có thể tăng khoảng 0,3% so với tháng trước.
Theo Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại, nguyên nhân chủ yếu khiến CPI tháng 9 vừa qua tăng 0,29% so với tháng trước là do cơn bão số 3 (bão Yagi) đã ảnh hưởng nặng nề, gây thiệt hại nghiêm trọng đến sản xuất nông nghiệp, ngư nghiệp và hệ thống giao thông tại một số tỉnh phía Bắc, dẫn đến một số thời điểm đã xuất hiện tình trạng khan hiếm cục bộ lương thực, rau củ quả, khiến giá tăng tại một số tỉnh.
Bên cạnh đó, một số địa phương thực hiện tăng học phí theo lộ trình; giá thuê nhà ở cũng tăng.
Giá vàng tuần qua tăng hơn 3 triệu đồng/lượng
Giá vàng thế giới trong ngày 27/10 giao dịch ở mức 2.747,69 USD/ounce, ổn định so kết phiên hôm trước.
Tại thị trường trong nước, ghi nhận vào chiều ngày 27/10, giá vàng miếng SJC được Tập đoàn DOJI niêm yết ở ngưỡng 87 – 89 triệu đồng/lượng (mua vào/bán ra), giữ nguyên mức giá niêm yết ở cả chiều mua vào và bán ra so với chốt phiên hôm qua.
Công ty Bảo Tín Minh Châu niêm yết giá vàng SJC ở ngưỡng 87-89 triệu đồng/lượng (mua vào/bán ra), giữ nguyên mức giá niêm yết ở cả chiều mua vào và bán ra so với chốt phiên hôm qua.
Tập đoàn Vàng bạc đá quý DOJI niêm yết giá vàng nhẫn 9999 về mức 87,9 – 88,9 triệu đồng/lượng (mua vào/bán ra), ổn định ở cả chiều mua vào và bán ra so với đầu giờ sáng.
Tính chung trong tuần qua, giá vàng SJC tăng 3 triệu đồng/lượng ở cả 2 chiều, từ mức 84,0 – 86,0 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra) của tuần trước đó (từ 7-13/10). Trong khi đó, giá vàng nhẫn ghi nhận mức tăng 3,2 triệu đồng/lượng ở chiều mua và tăng 3,3 triệu đồng/lượng ở chiều bán, từ mức giá 84,68 – 85,68 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra).
Nợ nước ngoài của Chính phủ giảm nhanh
Bộ Tài chính cho biết, dư nợ vay nước ngoài của Chính phủ đang có xu hướng giảm dần trong cơ cấu nợ vay của Chính phủ, từ tỷ trọng 38% xuống còn 28%, tương ứng giảm 176.000 tỷ đồng trong cả giai đoạn 2019-2023, giúp giảm rủi ro về tỷ giá, đảm bảo an toàn nợ công và an ninh tài chính quốc gia.
Phân theo từng bên cho vay, chủ nợ song phương lớn nhất của Việt Nam vẫn là Nhật Bản với trên 247.000 tỷ đồng nhưng vốn vay từ quốc gia này giảm mạnh nhất 5 năm vừa qua, tương ứng giảm 88.000 tỷ đồng. Bên cạnh đó, Hàn Quốc, Pháp và Đức lần lượt cho vay hơn 29.500 tỷ, 27.000 tỷ và 13.500 tỷ đồng.
642 doanh nghiệp báo lợi nhuận quý III
Tính đến ngày 26/10/2024, có 642 doanh nghiệp niêm yết (đại diện 31,7% vốn hóa toàn thị trường) đã công bố kết quả kinh doanh quý III, bao gồm 10/27 ngân hàng, 31/35 công ty chứng khoán và 594/1483 doanh nghiệp phi tài chính.
Nhóm có tăng trưởng lợi nhuận cao vẫn là thực phẩm, chăn nuôi, vật liệu xây dựng, thép, cao su, vận chuyển hành khách.
Ở chiều ngược lại, nhóm có lợi nhuận giảm mạnh bao gồm các ngành gắn liền với sự hồi phục về nhu cầu tiêu dùng trong nước gồm bất động sản, hàng cá nhân và nhóm hàng hóa gồm hóa chất, than.
Sản xuất công nghiệp của Hà Nội tăng 5,4% trong 9 tháng
Trong cơ cấu kinh tế thành phố 9 tháng năm 2024, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 5,4% so với cùng kỳ năm 2023 (9 tháng năm 2023 tăng 2,5%), trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 4,8%.
Đó là những dấu hiệu rất tích cực, thể hiện lĩnh vực công nghiệp thành phố đang dần phục hồi và phát triển trở lại cũng như những kết quả tích cực trong công tác hỗ trợ doanh nghiệp công nghiệp của thành phố.
Liên tục trong quý III/2024, nhiều hội chợ lớn chuyên ngành công nghiệp được thành phố tổ chức như: Hội chợ Công nghiệp chủ lực, Hội chợ công nghiệp hỗ trợ, Hội chợ máy móc và thiết bị công nghiệp… qua đó mang lại nhiều cơ hội xúc tiến thương mại trực tiếp, giúp doanh nghiệp tiếp xúc công nghệ, tìm kiếm thị trường.
Theo nguồn: https://kinhtedothi.vn/tin-tuc-kinh-te-ngay-27-10-du-bao-cpi-thang-10-tang-0-3.html