Phóng viên báo Dân trí đã có cuộc trò chuyện với ông Lê Hoàng – CEO Hyperwork để có thể hiểu rõ về câu chuyện thị trường đồ công nghệ “Made in Việt Nam”.
“Cứ ra là chê”
Thị trường công nghệ Việt Nam gần đây đã xuất hiện nhiều thương hiệu trong nước, đi cùng với sự nâng cấp đa dạng về mẫu mã, vậy ông đánh giá như thế nào về vấn đề này?
– Thực tế câu chuyện về sản phẩm công nghệ thương hiệu Việt đã có sự tiến bộ, cả về mẫu mã lẫn cách nhà sản xuất làm R&D (Research and Development- nghiên cứu và phát triển). Các nhà sản xuất luôn cải tiến sản phẩm và công nghệ mới để đáp ứng những yêu cầu mà thị trường đang đặt ra, cũng như các chiến lược để phát triển một doanh nghiệp.
Thực tế trên thị trường đã xuất hiện nhiều sản phẩm công nghệ mang thương hiệu Việt Nam như điện thoại di động, tai nghe, các thiết bị hỗ trợ người dùng làm việc như ghế công thái học, bàn nâng hạ hay giá đỡ màn hình (ARM)…
Song tâm lý người dùng Việt Nam khi nghĩ đến các sản phẩm công nghệ trong nước thường có những đánh giá tiêu cực, thậm chí có nhiều hội nhóm mạng xã hội được tạo ra để tẩy chay những thương hiệu này.
“Tẩy chay” thương hiệu Việt, có phải người dùng chưa tin tưởng vào những sản phẩm trong nước thưa ông?
– Mỗi sản phẩm thương hiệu Việt Nam khi ra mắt thường nhận những đánh giá không cao. Tâm lý người dùng khi nghĩ đến các sản phẩm Việt thường “chê”, dù họ chưa có những trải nghiệm thực tế. Điều này, phần nào làm giảm đi giá trị sản phẩm công nghệ đến từ thương hiệu Việt Nam.
Trên thực tế, nhiều sản phẩm công nghệ mang thương hiệu Việt Nam đã được các công ty nâng cấp, cải thiện rất nhiều. Chất lượng, giá trị hay chính sách bảo hành sản phẩm tương đương, thậm chí ở một số phân khúc còn vượt cả những món đồ đến từ nước ngoài.
Nhiều đơn vị đã chủ động nghiên cứu, thiết kế sản phẩm, tìm đối tác là nhà máy đang sản xuất thiết bị cho những thương hiệu lớn để tận dụng dây chuyền hiện đại cũng như kỹ năng nhân công, các tiêu chuẩn đang giúp cải thiện sản phẩm đầu cuối, đồng thời giúp sản phẩm có được mức giá rẻ hơn khi đến tay người tiêu dùng.
Các công ty công nghệ Việt đều xác định kinh doanh lâu dài, quyết tâm xây dựng sản phẩm nên họ nghiêm túc hơn với các mặt hàng của mình cũng như đưa ra kế hoạch bền vững để tiếp cận người dùng.
Đồng thời, họ cũng đã áp dụng các tiêu chuẩn cao hơn, tận dụng ưu thế từ đối tác nên các sản phẩm ra thị trường cũng bền hơn, tính ổn định, độ an toàn cao.
So với các thương hiệu quốc tế, để nói so sánh thì rất khó. Hàng công nghệ Việt vẫn còn hạn chế về quy mô sản lượng, mẫu mã. Tín hiệu mừng là những điều này đang có dấu hiệu được cải thiện.
Nhiều người dùng cứ nghĩ tới đồ công nghệ Việt là chê, ông có thể chỉ ra nguyên nhân sâu xa?
– Tất nhiên chúng ta cũng phải thừa nhận có hiện tượng người dùng cứ nghĩ đến đồ công nghệ Việt Nam là chê bai, điều này không phải tự nhiên mà có. Thực tế, trước đây một số thương hiệu Việt đã gây mất niềm tin, thậm chí lừa dối người dùng về nguồn gốc, xuất xứ của sản phẩm, từ đó tạo tâm lý ác cảm với việc “cộp mác” Việt.
Xa hơn nữa có quan điểm cho rằng, doanh nghiệp “cộp mác” Việt vào để câu kéo sự chú ý, thu hút, tìm kiếm khách hàng có mong muốn ủng hộ hàng trong nước, hay ta thường gọi là “kinh doanh lòng yêu nước”. Rõ ràng để thay đổi một định kiến xấu không thể xóa nhòa trong một sớm một chiều.
Chất lượng các sản phẩm công nghệ Việt Nam có thể sánh ngang với những thiết bị mang thương hiệu nước ngoài. Song câu chuyện sinh tồn từ những hãng công nghệ Việt Nam trên thị trường là một bài toán nan giải.
Nghiêm túc, thành thật hơn với khách hàng của mình để phát triển bền vững
Theo quan điểm của ông, hệ sinh thái đồ công nghệ trong nước liệu có khó cạnh tranh với thương hiệu nước ngoài?
– Hệ sinh thái đồ công nghệ tại Việt Nam hiện có sự đa dạng về mẫu mã, song sự xuất hiện các sản phẩm đến từ thương hiệu trong nước trên các gian hàng bán lẻ vẫn chưa có nhiều.
Tôi nhận thấy thương hiệu ngoại bán tốt, tại sao thương hiệu Việt lại không? Sản phẩm công nghệ chúng ta hiện có thể sánh ngang với nước ngoài, từ kiểu dáng, tính năng đều không thua kém.
Song để có được sự tin tưởng của người dùng cũng như sinh tồn trên thị trường thì đó là một chặng đường dài với nhiều khó khăn.
Tại các kệ hàng trong nước, các sản phẩm công nghệ từ Trung Quốc rất mạnh và đa dạng. Nhưng oái oăm thay tại Việt Nam, nhiều món đồ thương hiệu Việt có chất lượng tốt nhưng giá thành không đáp ứng được nhu cầu chi tiêu của người dùng. Đồng thời, những công ty này chỉ có một vài sản phẩm nên hầu hết họ đều thất bại, do không thể cạnh tranh với thương hiệu ngoại.
Các sản phẩm công nghệ thương hiệu Việt Nam ngày nay không lựa chọn cạnh tranh về giá, người dùng phần nào đó đã chấp nhận chi nhiều hơn để tăng trải nghiệm.
Bên cạnh đó, các công ty công nghệ trong nước đã tận dụng nguồn nhân công giá rẻ, chi phí thấp từ các nhà máy nước ngoài để sản xuất, điều này mang lại chi phí cạnh tranh giúp người dùng tiệm cận được với nhiều sản phẩm hơn.
Theo ông, để thương hiệu công nghệ Việt có thể tồn tại trên thị trường, “thi đấu” với các hãng nước ngoài, các công ty cần có sự thay đổi như thế nào?
– Bên cạnh sự đa dạng hóa sản phẩm, yếu tố tăng tính cạnh tranh lớn nhất chính là các công ty trong nước có thể tối ưu hóa các sản phẩm phù hợp với người dùng, đi cùng với chế độ bảo hành, hậu mãi giúp chúng ta không phải thông qua bên thứ ba.
Đây cũng là điều khiến người dùng sẵn sàng chi nhiều tiền hơn để mua sản phẩm mang thương hiệu “Made in Việt Nam”.
Có thể thấy rằng, khi ngày càng có nhiều thương hiệu Việt nghiêm túc, thành thật hơn với khách hàng của mình, chúng ta có quyền hy vọng vào một sự thay đổi trong tương lai gần, khi người dùng hiểu chính xác hơn về sản phẩm mình đang ủng hộ hay đang lên án.
Xin cảm ơn ông đã dành thời gian cho buổi trò chuyện!
Theo nguồn: https://dantri.com.vn/suc-manh-so/do-cong-nghe-viet-ra-la-bi-che-toi-ta-lam-sao-canh-tranh-voi-nuoc-ngoai-20231119212052118.htm