Tuy nhiên, cùng với những lợi ích mang lại, “Kinh tế vỉa hè” cũng đi liền với sự nhếch nhác, làm mất mỹ quan đô thị, vệ sinh môi trường và trật tự an toàn giao thông nên rất cần được quy hoạch và quản lý bài bản.
Tại các thành phố lớn như Hà Nội, TPHCM, Hải Phòng, Đà Nẵng, nhiều năm qua “cuộc chiến giành lại vỉa hè cho người đi bộ” đã và đang được tiếp tục thực hiện nhằm đảm bảo mỹ quan đô thị. Tuy nhiên, những cuộc ra quân rầm rộ trong những năm qua đều thất bại bởi vỉa hè là nơi mưu sinh của nhiều gia đình.
Vỉa hè – phương tiện mưu sinh của nhiều gia đình
Mặc dù “kinh tế vỉa hè” không chính thức và thường không được đo lường chính xác trong GDP nhưng nó tạo ra một lượng thu nhập đáng kể cho hàng triệu người. Người bán hàng ở vỉa hè có thể không đóng thuế thu nhập trực tiếp nhưng họ chi tiêu phần lớn thu nhập của mình vào các dịch vụ và sản phẩm trong thành phố, góp phần thúc đẩy vòng quay của nền kinh tế.
Chị Nguyễn Thị Hiền, chủ quán phở lâu năm tại quận Đống Đa (Hà Nội) cho biết: “Vỉa hè đã giúp gia đình tôi thoát cảnh túng thiếu và có thu nhập ổn định. Tôi bán phở ở đây hơn 10 năm, nhờ công việc này mà tôi nuôi con ăn học, trang trải chi phí sinh hoạt. Kinh doanh trên vỉa hè tuy nhỏ, nhưng rất linh hoạt và không đòi hỏi vốn lớn. Tôi chỉ cần một cái bàn, vài cái ghế và có thể bán hàng”.
Với nhiều người lao động như chị Hiền, vỉa hè không chỉ là nơi mưu sinh, mà còn là cách để tiếp cận khách hàng nhanh chóng, nhất là khi họ cần những món ăn tiện lợi, giá rẻ.
Đối với anh Nguyễn Văn Cường (quận Thanh Xuân, Hà Nội), bán cà phê vỉa hè là công việc duy nhất giúp anh trang trải cuộc sống suốt hơn 8 năm qua. “Bán cà phê trên vỉa hè tuy vất vả, nhưng giúp tôi nuôi sống bản thân. Nhiều người đi làm buổi sáng ghé qua uống cà phê với giá rẻ và tôi có nhiều khách quen. Đối với tôi, đây là cách duy nhất để mưu sinh”.
Theo anh Cường, sự phổ biến của kinh doanh trên vỉa hè giúp lao động tự do như anh có cơ hội cạnh tranh, không phải thuê mặt bằng đắt đỏ như quán cà phê lớn. Anh cũng cho rằng kinh doanh trên vỉa hè trở thành nét đặc trưng của đời sống đô thị Hà Nội, khi những ly cà phê vỉa hè không chỉ đơn giản là thức uống mà còn là một phần của văn hóa giao tiếp.
Dưới góc độ người tiêu dùng, chị Trần Thị Hằng, nhân viên văn phòng tại Hà Nội cho rằng, mặc dù làm việc tại một công ty lớn, nhưng chị vẫn thường xuyên lựa chọn các quán ăn vỉa hè cho bữa trưa vì sự tiện lợi và giá cả phải chăng. “Hàng ngày tôi đều ăn trưa tại một quán ăn vỉa hè gần công ty. Thức ăn không chỉ ngon, giá hợp lý, mà tôi có thể thư giãn, trò chuyện với đồng nghiệp trong không gian mở. Kinh tế vỉa hè giúp tôi tiết kiệm thời gian và chi phí rất nhiều”, chị Hằng chia sẻ.
Nguồn sống của lao động di cư và lao động phi chính thức
Theo các chuyên gia, nhiều gia đình lao động nghèo tại Hà Nội và TPHCM có nguồn thu nhập chính nhờ kinh doanh trên vỉa hè. Những người bán hàng nhỏ lẻ này chủ yếu là tầng lớp lao động có thu nhập thấp, trong đó có nhiều người di cư từ nông thôn lên thành thị. “Kinh tế vỉa hè” trở thành cứu cánh quan trọng cho họ trong bối cảnh giá sinh hoạt tại các thành phố lớn ngày càng tăng cao.
TS Nguyễn Minh Phong, nguyên Trưởng phòng Nghiên cứu kinh tế, Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế – xã hội Hà Nội nhấn mạnh, “kinh tế vỉa hè” là một phần không thể thiếu của nền kinh tế phi chính thức, đặc biệt trong bối cảnh đô thị hóa nhanh chóng ở Việt Nam.
“Kinh tế vỉa hè không chỉ tạo ra một lượng việc làm lớn cho lao động không có tay nghề cao mà còn giúp giảm tỷ lệ thất nghiệp và tạo ra thu nhập cho những người di cư từ nông thôn ra thành phố. “Kinh tế vỉa hè” là một hình thức kinh doanh linh hoạt, giúp nhiều người nghèo có cơ hội tiếp cận hàng hóa và dịch vụ với giá cả hợp lý.
Mặc dù không nằm trong hệ thống kinh tế chính thức, nhưng “kinh tế vỉa hè” đóng góp rất lớn vào sự phát triển kinh tế địa phương, đặc biệt là tại các thành phố lớn”, ông Phong nói.
Còn theo chuyên gia kinh tế, TS Lê Đăng Doanh, bên cạnh những lợi ích về kinh tế, kinh tế vỉa hè cũng mang lại những giá trị văn hóa, xã hội. Ông nhấn mạnh, nhiều người quen với việc tiêu dùng hàng hóa và dịch vụ vỉa hè, coi đây là phần không thể thiếu trong cuộc sống hàng ngày. Đối với nhiều người, món ăn đường phố không chỉ đơn thuần là bữa ăn mà còn là trải nghiệm văn hóa, nơi giao lưu xã hội.
“Sự phát triển mạnh mẽ của “kinh tế vỉa hè” cần được nhìn nhận theo hướng tích cực, nhưng cần có các biện pháp quản lý chặt chẽ hơn để hạn chế những tác động tiêu cực như lấn chiếm vỉa hè, mất trật tự đô thị hay ô nhiễm môi trường”.
Theo một số nghiên cứu, ước tính có tới 40 – 60% lao động tại TPHCM và Hà Nội thuộc khu vực kinh tế phi chính thức, trong đó phần lớn làm các công việc như bán hàng ăn, bán đồ gia dụng, sửa chữa nhỏ lẻ, hay cung cấp dịch vụ cá nhân. Tuy nhiên, họ thường không có hợp đồng lao động, không được tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế.
Bên cạnh những đóng góp tích cực, các chuyên gia cũng cho rằng, cần có những biện pháp quản lý và hỗ trợ từ phía chính quyền để “kinh tế vỉa hè” có thể phát triển bền vững, hạn chế những mặt tiêu cực, nhất là đảm bảo mỹ quan đô thị, vệ sinh môi trường và trật tự an toàn giao thông để loại hình kinh tế này tiếp tục đóng góp xứng đáng vào sự phát triển của các thành phố.
Thuỳ Hương (Còn nữa)
Báo Lao động và Xã hội số 118
Theo nguồn: https://dansinh.dantri.com.vn/tien-luong-tien-cong/kinh-te-via-he-chi-can-mot-cai-ban-vai-cai-ghe-la-co-the-ban-hang-20240930213217689.htm