Chiều 14/10, UBND TP Đà Nẵng tổ chức Hội nghị đánh giá hoạt động Du lịch 9 tháng đầu năm 2024, triển khai nhiệm vụ những tháng cuối năm 2024 và năm 2025.
Tại hội nghị, bà Trương Thị Hồng Hạnh – Giám đốc Sở Du lịch TP. Đà Nẵng cho biết, trong 9 tháng đầu năm, tổng khách lưu trú ước đạt 8,67 triệu lượt, tăng 33% so với cùng kỳ năm 2023, bằng 163% cùng kỳ năm 2019. Trong đó, khách quốc tế ước đạt hơn 3,17 triệu lượt, tăng 30%, bằng 134% so cùng kỳ năm 2019; khách nội địa ước đạt hơn 5,49 triệu lượt, tăng 34%, bằng 186% so với cùng kỳ năm 2019.
Doanh thu lưu trú, ăn uống, lữ hành 9 tháng đầu năm 2024 ước đạt hơn 26.000 tỷ đồng, tăng 26%, bằng 135% cùng kỳ năm 2019. Trong đó, doanh thu lưu trú, lữ hành ước đạt hơn 13.000 tỷ đồng, tăng 37%, bằng 152% so cùng kỳ năm 2019.
Năm 2024, tổng lượt khách lưu trú phấn đấu đạt 10,3 triệu lượt, tăng 39% so với năm 2023. Trong đó, khách quốc tế ước đạt 4,2 triệu lượt, tăng 2,1 lần, khách nội địa ước đạt 6,1 triệu lượt, tăng 13%. Doanh thu lưu trú, ăn uống, lữ hành cả năm ước đạt hơn 38.000 tỷ đồng, tăng 37% so với năm 2023, bằng 178% so với năm 2019.
Năm 2025, dự kiến tổng lượt khách lưu trú ước đạt hơn 10,5 triệu lượt, tăng 6% so với năm 2024. Trong đó, khách quốc tế ước đạt 4,3 triệu lượt, tăng 11%, khách nội địa ước đạt hơn 6,2 triệu lượt. Doanh thu lưu trú, ăn uống, lữ hành năm 2025 ước đạt 40.700 tỷ đồng, tăng 11% so với năm 2024.
Bà Trương Thị Hồng Hạnh cũng cho hay, so với thời điểm năm 2019, hiện tỷ lệ khách Hàn Quốc, Trung Quốc, Thái Lan, Nhật Bản đều giảm, đặc biệt là thị trường Hàn Quốc giảm 8,5%, Trung Quốc giảm 13,6%. Bù đắp sự sụt giảm này là sự tăng trưởng của một số thị trường mới như Đài Loan tăng 8,1%; Ấn Độ tăng 4,2%; Australia tăng 1,1%; Nga tăng 1,4%…
“Thực tế này phản ánh xu hướng dịch chuyển của một số thị trường khách truyền thống sang các điểm đến mới; đồng thời thể hiện rõ hiệu quả chủ trương đa dạng hóa thị trường khách quốc tế với những nỗ lực xúc tiến, tìm kiếm mở rộng thị trường, khôi phục phát triển các đường bay quốc tế trực tiếp, tăng cường tổ chức lễ hội sự kiện thu hút khách và công tác truyền thông – quảng bá điểm đến Đà Nẵng”, bà Trương Thị Hồng Hạnh cho biết.
Theo Sở Du lịch Đà Nẵng, Top 10 thị trường khách quốc tế đến Đà Nẵng hiện nay là: Hàn Quốc (chiếm tỷ lệ 41,3%), Đài Loan, Thái Lan, Trung Quốc, Ấn Độ, Mỹ, Nhật Bản, Malaysia, Australia và Nga.
Về tình hình khai thác khách qua đường hàng không, tính đến tháng 9/2024, có 20 đường bay đến Đà Nẵng (5 đường bay nội địa và 15 đường bay quốc tế thường kỳ). Đường bay mới Kuala Lumpur (Malaysia) – Đà Nẵng đã được khai trương trong tháng 9. Đường bay Amedabad (Ấn Độ) sẽ được khai trương vào tháng 10/2024, đường bay từ Jakarta (Indonesia) vào tháng 12/2024. Tần suất trung bình là 115 chuyến bay/ngày (64 chuyến nội địa và 51 chuyến quốc tế/ngày).
Đối với đường biển, trong 9 tháng đầu năm 2024, có 27 chuyến và 32.550 lượt khách đến Đà Nẵng, tăng 5 chuyến và 14.450 lượt khách so với tổng của cả năm 2023. Dự kiến trong năm 2024 sẽ đón 40.000 lượt khách, tăng 120% so với năm 2023.
Đối với đường sắt, trong 9 tháng đầu năm 2024 ước đón 538.024 lượt khách đến Đà Nẵng, tăng hơn 48% so với cùng kỳ. Dự kiến trong năm 2024 sẽ đón 648.540 lượt khách, tăng 44% so với cả năm 2023.
Giám đốc Sở Du lịch Đà Nẵng cho rằng, một số khó khăn, thách thức đã tác động đến công tác phát triển du lịch của TP. Đà Nẵng. Chẳng hạn, những biến động kinh tế – chính trị quốc tế, thiên tai, dịch bệnh, biến đổi khí hậu, tình hình suy thoái kinh tế toàn cầu hiện nay dẫn đến giảm nhu cầu du lịch, chi phí vé máy bay cao. Theo đó, du khách có xu hướng tiết kiệm, thắt chặt chi tiêu và chọn điểm đến gần.
Sự cạnh tranh điểm đến quốc tế rất mạnh mẽ từ Thái Lan, Trung Quốc (giá rẻ, chính sách visa thông thoáng, chính phủ hỗ trợ bằng tiền cho các hãng hàng không mở đường bay, tặng voucher bằng tiền cho du khách…). Quy mô, năng lực khai thác thị trường và tính liên kết hợp tác trong kinh doanh của các doanh nghiệp du lịch Đà Nẵng còn hạn chế.
Quy hoạch bến và cảnh quan chưa đồng bộ. Một số tuyến đường tại khu vực bán đảo Sơn Trà còn đang sửa chữa; nguy cơ sạt lở tại các tuyến đường tại bán đảo Sơn Trà.
Chất lượng nguồn nhân lực phục vụ du lịch chưa đồng đều, chưa chuyên nghiệp về nghiệp vụ và kỹ năng phục vụ do có tình trạng dịch chuyển lao động sau COVID 19, thiếu nhân lực du lịch có kinh nghiệm nghề. Doanh nghiệp du lịch còn gặp nhiều khó khăn trong kinh doanh nên việc đầu tư cho đào tạo nhân lực, nâng cấp cơ sở vật chất rất hạn chế.
Bên cạnh đó, còn xuất hiện chèo kéo khách, bán hàng rong tại một số tuyến đường tập trung khách như: Cầu tàu tình yêu, khu vực vỉa hè phía Tây Cầu Rồng và đường Bạch Đằng nối dài, vỉa hè tuyến biển Hoàng Sa, Trường Sa – Võ Nguyên Giáp, cổng Cảng Đà Nẵng…
Theo đó, Sở Du lịch Đà Nẵng đề ra 5 nhiệm vụ trọng tâm trong quý 4/2024, bao gồm: (1) Công bố Bộ tiêu chí Văn hóa du lịch Đà Nẵng – Da Nang SMILE. (2) Triển khai tổ chức các sự kiện, lễ hội, sản phẩm du lịch. (3) Thực hiện truyền thông, xúc tiến du lịch: tiếp tục xúc tiến mở các đường bay quốc tế trực tiếp đến Đà Nẵng, tổ chức đón các đường bay mới và chương trình kích cầu khai thác khách hai chiều để duy trì các đường bay; triển khai các hoạt động xúc tiến khai thác thị trường khách Úc, khách đường biển, đường bộ, liên kết hình thành và tạo xu hướng du lịch trải nghiệm bằng tàu hỏa. (4) Đảm bảo môi trường du lịch an ninh, an toàn, xanh – sạch – đẹp; kiểm tra, hướng dẫn các đơn vị kinh doanh du lịch đảm bảo an toàn cho du khách. (5) Triển khai kế hoạch trồng dừa tại hai tuyến đường ven biển.
Phát biểu tại hội nghị, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng đánh giá cao những nỗ lực của ngành du lịch Đà Nẵng với những kết quả đạt được trong 9 tháng đầu năm. Những kết quả này có được là sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền thành phố, vai trò chủ chốt của ngành du lịch và sự phối hợp của các ngành, địa phương, đơn vị, đặc biệt là sự đồng hành, sẻ chia và ủng hộ rất lớn của cộng đồng doanh nghiệp du lịch, lữ hành, lưu trú…
Bí thư Thành ủy Đà Nẵng yêu cầu sự quyết tâm, đồng lòng của cả hệ thống chính trị thành phố, sự đồng hành ủng hộ của cộng đồng doanh nghiệp và sự chung tay của người dân. Ban cán sự Đảng, UBND TP Đà Nẵng tăng cường công tác phối hợp cho các doanh nghiệp, tập trung thực hiện các nhiệm vụ và xác định rõ nhiệm vụ mục tiêu trong năm 2025. Tập trung tháo gỡ khó khăn vướng mắc trong hoạt động du lịch, các kiến nghị, vướng mắc, đề xuất đã nêu, đặc biệt tháo gỡ khó khăn vướng mắc và xây dựng cơ chế chính sách, giải pháp hỗ trợ đẩy nhanh tiến độ các dự án lớn du lịch, tạo ra các sản phẩm du lịch mới đặc thù, khác biệt mang tính lan tỏa cho sự phát triển của thành phố.
Để đạt được các mục tiêu đề ra, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng cho rằng, ngành du lịch thành phố cần đổi mới mô hình tăng trưởng; làm mới những sản phẩm đang có; nâng cao chất lượng của các cơ sở lưu trú, hoạt động dịch vụ, sự kiện; tạo ra những sản phẩm mới. Ông cũng gợi ý một số nội dung như: lãnh đạo thành phố, lãnh đạo ngành cũng phải đổi mới cách tiếp cận, phương pháp quản lý, sự quyết tâm trong triển khai thực hiện các nhiệm vụ của Thành ủy, UBND thành phố, đặt ra các mục tiêu hướng tới du lịch xanh, xây dựng các tiêu chí phát triển du lịch xanh; tiêu chí về mức độ an toàn cho du khách đến Đà Nẵng…
Thành phố biểu dương các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố rất nỗ lực làm mới các sản phẩm du lịch và thành phố luôn đồng hành cùng các doanh nghiệp, ngành du lịch để gia tăng thêm các sản phẩm du lịch mới; sự kết hợp các sản phẩm giữa đầu tư công và doanh nghiệp sẽ góp phần vào sự phát triển chung của thành phố.
8 nhiệm vụ trọng tâm năm 2025:
(1) Tập trung tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc để triển khai 3 khâu đột phá thúc đẩy phát triển du lịch thành phố gồm (sản phẩm du lịch, thị trường – đường bay và chất lượng dịch vụ)
(2) Đảm bảo môi trường du lịch
(3) Triển khai quy hoạch, định hướng phát triển trọng tâm của ngành theo lộ trình
(4) Tuyên truyền, phổ biến pháp luật, thanh tra, kiểm tra trong hoạt động du lịch
(5) Nâng cao chất lượng dịch vụ và phát triển nguồn nhân lực du lịch, hướng đến dịch vụ đạt chuẩn “chất lượng cao”: xây dựng và triển khai Kế hoạch Nguồn nhân lực du lịch 2025-2030; chuẩn bị những phương án/kịch bản đối phó với các ảnh hưởng của thiên tai, dịch bệnh…
(6) Thực hiện chuyển đổi số trong hoạt động du lịch
(7) Liên kết hợp tác phát triển du lịch trong nước và quốc tế
(8) Hỗ trợ doanh nghiệp du lịch./.
Theo nguồn: https://toquoc.vn/da-nang-phan-dau-dat-103-trieu-luot-khach-luu-tru-trong-nam-2024-2024101409435719.htm