TP Đồng Hới là địa phương có số lượng tàu thuyền của ngư dân nhiều nhất Quảng Bình, với gần 1.500 tàu thuyền và hơn 4.600 ngư dân đang tham gia đánh bắt hải sản trên biển. Tuy nhiên, thời gian gần đây, cửa biển Nhật Lệ liên tiếp bị bồi lấp khiến việc đi lại của tàu cá gặp nhiều khó khăn. Một số trường hợp do không thông thạo luồng lạch khi đi qua cửa sông ra biển đã bị mắc cạn, hư hỏng chân vịt, bánh lái, thậm chí bị lật tàu.
Tương tự, cửa biển Lạch Roòn là nơi neo đậu của hơn 800 tàu thuyền khai thác thủy – hải sản của ngư dân 2 xã biển Cảnh Dương, Quảng Phú và nhiều địa phương lân cận của huyện Quảng Trạch. Tình trạng cát bồi lấp nghiêm trọng tại cửa biển này khiến tàu thuyền ra vào hết sức khó khăn. Hiện các tàu có công suất lớn với chiều dài từ 15 m trở lên đều không thể vào, phải neo đậu ở các cửa biển khác, phát sinh thêm chi phí.
Cửa biển Lý Hòa hiện cũng bị bồi lấp rất nghiêm trọng, mực nước chỉ khoảng 20 cm, cát bồi lấp khiến nhiều tàu cá vào ra bị mắc cạn, hư hỏng thường xuyên. Trước tình trạng này, năm 2022, UBND tỉnh Quảng Bình đã chi 14 tỉ đồng để thực hiện dự án nạo vét cửa sông, nhằm khơi thông dòng chảy và bố trí an toàn giao thông cho đường thủy nội địa. Tuy nhiên, chỉ một thời gian ngắn, ngư dân chưa kịp mừng thì cửa sông đã bị bồi lắng, cạn trơ đáy.
Ông Nguyễn Văn Thủy, Phó Chủ tịch UBND huyện Bố Trạch, cho biết việc tắc đường ra vào tại cửa biển Lý Hòa gây ảnh hưởng đến hoạt động mua bán, tiêu thụ hải sản; gây thất thoát nguồn lực, địa phương không phát huy được những dịch vụ hậu cần nghề cá. Huyện đã nhiều lần đề xuất với cấp trên sớm xây dựng đê kè kiên cố, khơi thông cửa biển, tạo tuyến đường thủy thông thoáng, góp phần phát triển kinh tế cũng như để ngư dân an tâm có chỗ tránh trú khi mùa mưa bão sắp về nhưng do kinh phí khó khăn nên chưa thể giải quyết.
Theo Sở Giao thông Vận tải tỉnh Quảng Bình, do nguồn tài chính hạn chế nên sở không thể thực hiện nạo vét cửa biển sông Nhật Lệ. Sau đó, Cục Đường thủy nội địa – Bộ Giao thông Vận tải đã tiến hành nạo vét, duy tu và bàn giao từ đầu hè năm 2018. Dù vậy, hiện cửa biển đã bị bồi lắng, bồi lấp trở lại gây khó khăn cho tàu thuyền ra vào.
Ông Lê Văn Lợi, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Bình, cho biết đơn vị đã sử dụng các nguồn kinh phí để nạo vét. Nhiều cửa cạn đòi hỏi nguồn lực rất lớn, có thể mất hàng ngàn tỉ đồng cho một cửa. Hiện sở này đã trình UBND tỉnh, đề xuất các bộ, ngành trung ương hỗ trợ, để có các công trình chỉnh trị sông với mục đích điều chỉnh dòng chảy, chống xói lở hoặc bồi lấp, bảo vệ bờ sông.
Theo nguồn: https://nld.com.vn/boi-lap-nghiem-trong-tai-nhieu-cua-bien-quang-binh-19624100120295156.htm