Thụy SĩHầm trú ẩn hạt nhân bí mật tại dãy núi Alps hiện bảo vệ một lượng Bitcoin có trị giá hơn 100 triệu USD.
Người sở hữu tiền số thường giấu tài sản ở “ví lạnh”, tức các thiết bị lưu trữ mã khóa, hoặc qua “ví nóng” – ví trên sàn giao dịch hoặc nền tảng phi tập trung. Dù vậy, hơn hai triệu Bitcoin được ước tính đã mất vĩnh viễn, không thể lấy lại do chủ sở hữu quên cụm từ “hạt giống”, là chìa khóa duy nhất để truy cập vào tiền số.
Nhằm đảm bảo cất giữ tiền số an toàn, công ty Xapo Bank đã xây dựng một loạt hầm trú ẩn hạt nhân để bảo vệ Bitcoin của khách hàng. CoinTelegraph đã đến hầm ngầm lưu trữ Bitcoin ở núi Alps, nơi được canh giữ nghiêm ngặt và gần như bất khả xâm phạm.
“Anh còn 5 phút, sau đó tôi cần giao nộp điện thoại”, Albert Rocca, một giám đốc của Xapo Bank, nói với biên tập viên Gareth Jenkinson của CoinTelegraph trước khi cho phép người này vào hầm chứa Bitcoin.
Rocca sau đó đặt điện thoại của Jenkinson vào một hộp chặn sóng điện từ, cắt đứt mọi kết nối của thiết bị và khiến vị trí không thể bị theo dõi. Nhóm sau đó lên trực thăng và bay về phía núi Alps. Trực thăng hạ cánh xuống một khu bằng phẳng bên cạnh dốc đứng. Cách đó vài chục mét là cánh cửa hầm theo phong cách quân đội lộ ra. Nhân viên bảo vệ quét võng mạc và nhập mã riêng được cập nhật mỗi phút trước khi cánh cửa khổng lồ nặng khoảng 6 tấn, được thiết kế để chịu được vụ nổ hạt nhân, từ từ mở ra.
Để vào hầm, khách mời phải trải qua quá trình kiểm tra an ninh toàn diện, sau đó được cấp thẻ từ để mở các cánh cửa khác trong lộ trình.
Nhóm sau đó chuyển đến một phòng nhỏ, hai bên là các nhân viên trang bị kính và áo giáp chống đạn. Họ có nhiệm vụ đo cân nặng và chiều cao của khách. Dữ liệu này sẽ tự động liên kết với thẻ nhận dạng đã được cấp từ đầu.
Tiếp theo, nhóm đi qua một hầm đá dài khoảng 30 mét, dẫn đến một loạt cửa an ninh. Họ được yêu cầu phải thực hiện một động tác nhất định để di chuyển qua – một biện pháp ngăn những vị khách không mời. Đằng sau là một hành lang có cửa két ở cả hai bên. Tại đây có các mảnh MPC (Multi-party Computation – Tính toán đa bên), một hình thức mã hóa cho phép nhiều bên cùng đánh giá một khóa, bảo vệ sự riêng tư của thông tin và dữ liệu bí mật của khách hàng. MPC là giải pháp thay thế đa chữ ký truyền thống, đảm bảo không có điểm lỗi trong việc quản lý khóa tiền số.
Andrew Mannoukas, Giám đốc an ninh thông tin của Xapo Bank, là một trong số ít người được phép vào căn phòng sâu nhất. Ông cho biết các mảnh MPC có thể được lưu trữ trong các két sắt của Xapo Bank trên toàn thế giới, tại những địa điểm không được tiết lộ và được nhiều thực thể khác nhau nắm giữ, không ai biết chính xác vị trí của họ.
“Tại sao lại là két sắt? Chúng được đảm bảo an ninh vật lý bằng cách chứa trong các bongke cấp quân sự để chống lại các mối đe dọa như thiên tai hoặc trộm cắp ngoài đời thật”, Mannoukas giải thích.
Người này cho biết quá trình ký kết MPC giống như một nhóm đầu bếp cùng nấu một món ăn, mỗi đầu bếp có một nguyên liệu bí mật. Các đầu bếp thêm nguyên liệu vào nồi nhưng không cho nhau xem rồi trộn đều mọi thứ. Cuối cùng, họ nếm món ăn, thưởng thức hương vị nhưng không ai biết chính xác nguyên liệu người khác đã thêm vào là gì, số lượng bao nhiêu.
“Mỗi đầu bếp là một mảnh MPC. Khi cần kết hợp, họ đóng góp chữ ký nhưng không phải tiết lộ danh tính. Các mảnh sẽ tạo ra một chữ ký hợp lệ có thể ký giao dịch”, Mannoukas nói. “Theo cách này, một người có thể ủy quyền giao dịch một cách an toàn, không cần bất kỳ cá nhân hay tổ chức nào nắm giữ toàn bộ khóa riêng”.
Căn hầm hiện bảo vệ lượng Bitcoin trị giá hơn 100 triệu USD. Tuy nhiên, Xapo Bank cho biết Bitcoin chỉ là một trong những tài sản được giấu. Hầm ở dãy Alps được công ty mua lại từ một liên doanh với Không quân Thụy Sĩ vào những năm 1980. Bên trong gồm hai máy phát điện diesel công suất megawatt và hệ thống lọc không khí HEPA phức tạp giúp loại bỏ chất ô nhiễm, gồm cả độc tố và hạt phóng xạ.
Bên cạnh đó, hệ thống hầm trú ẩn cũng sử dụng một hồ nước ngầm để làm mát máy chủ và các phòng mà không cần đến điều hòa. Các phòng cũng có lối thoát hiểm riêng, được kiểm soát và vận hành từ xa.
Xapo Bank từ chối đề cập chi tiết về phí duy trì hàng năm để lưu trữ Bitcoin. Tuy nhiên, công ty nói chỉ riêng việc thuê hầm trú ẩn này đã tốn cả triệu USD mỗi năm.
Bảo Lâm
- Nhiều thợ đào Bitcoin ‘đầu hàng’, cho thuê trâu cày
- Săn ‘kho báu’ trong các ví Bitcoin bị quên mật khẩu
- Vụ hack sàn tiền số 10 năm trước đang khiến Bitcoin chao đảo
- Thợ đào Bitcoin trước ngưỡng ‘buông tay, tắt máy’
- Nhiều ví Bitcoin triệu USD bất ngờ ‘thức giấc’ trong một tuần
Theo nguồn: https://vnexpress.net/ben-trong-ham-tru-an-hat-nhan-chua-bitcoin-4799143.html