Từ con số 0 và những thành tựu ngang tầm thế giới
Nhiều năm trước, những thắc mắc về chất lượng dịch vụ từng là vấn đề làm đau đầu các tổng đài viên, những người không thể giải thích rõ cho khách hàng trước câu hỏi vì sao khi xem video bị giật, lag. Trước năm 2016, Viettel nói riêng và hầu hết các nhà mạng khác ở Việt Nam cũng như trên thế giới đều chưa có công cụ đo lường được trải nghiệm của khách hàng khi sử dụng dịch vụ.
Đó là lý do các kỹ sư Viettel AI quyết tâm xây dựng Data Monitoring – hệ thống giám sát chất lượng mạng cho phép nhìn thấy chất lượng dịch vụ và trải nghiệm của từng người dùng trên phạm vi toàn mạng lưới, nhờ đó tìm ra các điểm lõm sóng hoặc sóng yếu để khắc phục kịp thời. Năm 2016, hệ thống này được ghi nhận là đầu tiên và duy nhất ở Việt Nam.
Data Monitoring “Made in Vietnam” có khả năng xử lý, tính toán khối lượng dữ liệu lên tới hơn 500 Gbps. Con số này là ấn tượng trong bối cảnh những hệ thống lớn nhất của Viettel khi đó sinh ra chỉ vài chục Gb/ngày.
Chỉ trong 2 tháng đầu năm 2017, Data Monitoring đã được triển khai thành công trên toàn bộ mạng lưới 3G và 4G của Viettel. Không chỉ tiết kiệm cho Tập đoàn Viettel hàng trăm tỷ đồng, hệ thống này còn giúp phát hiện những bất cập về chất lượng dịch vụ của người dùng sớm để từ đó Viettel có những giải pháp kịp thời nâng cao chất lượng dịch vụ.
Năm 2016, các nhà mạng ở Việt Nam phải đối mặt với vấn đề nan giải là tin nhắn rác và sau đó là các cuộc gọi rác phát tán nội dung quảng cáo làm phiền khách hàng. Viettel đã nghiên cứu phát triển hệ thống Antispam để ngăn chặn tình trạng này một cách hiệu quả. Đến nay, hàng tháng hệ thống Viettel Antispam chặn trung bình 205 triệu tin nhắn rác và khoảng 17.000 thuê bao spam call (cuộc gọi rác), góp phần giảm thiểu những phiền nhiễu không mong muốn cho khách hàng.
Bên cạnh việc khẳng định năng lực công nghệ Viettel đang bắt kịp với thế giới, Data Monitoring hay Antispam đã đem lại những lợi ích thiết thực đến cho người dân. Khách hàng của Viettel ở các thị trường nước ngoài cũng bắt đầu được thụ hưởng những lợi ích này.
Tương lai số hóa mạng viễn thông
Nhằm nâng cao hơn nữa năng lực quản trị mạng viễn thông, Viettel AI đang đầu tư, phát triển và dự kiến đưa vào thử nghiệm sản phẩm Digital Twin, được áp dụng cho khoảng chục nghìn trạm viễn thông vào cuối năm nay với kỳ vọng giải quyết vấn đề đã tồn tại suốt nhiều thập niên.
Digital Twin được ra đời từ thực trạng các trạm viễn thông chính là tài sản lớn của Viettel nhưng việc duy tu, bảo dưỡng hay kiểm tra, kiểm soát đòi hỏi khối lượng công việc khổng lồ. Với các trạm viễn thông ở những vùng xa xôi, hẻo lánh với địa hình phức tạp, các kỹ thuật viên còn phải đối mặt với nhiều thách thức, thậm chí là hiểm nguy.
Giống nhiều giải pháp đột phá từng được Viettel AI phát triển, Digital Twin cũng là công nghệ mới mà thế giới còn đang trong giai đoạn nghiên cứu, phát triển. Chính vì thế, những bài toán của riêng Viettel cũng đòi hỏi các kỹ sư phải tự mày mò nghiên cứu, tìm giải pháp.
Theo ông Trịnh Đình Hoàn, Phó giám đốc Khối Công nghệ mới của Viettel AI, Digital Twin mà Viettel chuẩn bị đưa vào thử nghiệm không chỉ có khả năng tự động số hóa trạm viễn thông dưới dạng mô hình số 3D với độ chính xác rất cao, quản lý giám sát theo vòng đời từng trạm viễn thông và từng thiết bị trên trạm một cách trực quan. Hệ thống này còn áp dụng công nghệ AI tân tiến nhất để phân tích bóc tách các thông tin thay vì cần người trèo lên đỉnh cột thu phát sóng để đo kiểm, giảm bớt rủi ro nguy hiểm khi trèo cột.
Ngoài ra, hệ thống cho phép người dùng thực hiện mô phỏng thử nghiệm các phương án thiết kế lắp đặt thiết bị, tính toán phương án tối ưu một cách dễ dàng trực quan trong môi trường số 4D gần như môi trường thật. Điều này giúp ích rất lớn cho công tác thiết kế lắp đặt thiết bị lên trạm.
Việc triển khai 5G sắp tới sẽ đặt ra thêm nhiều thách thức trong việc quản lý, vận hành các trạm viễn thông. Thay vì để các kỹ thuật viên khảo sát, lắp đặt, thử nghiệm sau đó lại điều chỉnh, việc có một cái nhìn tổng thể trên môi trường bản sao số sẽ giúp tiết kiệm chi phí, công sức và thời gian triển khai.
“Khi số hóa mạng lưới, Viettel có thể quản lý hạ tầng một cách đồng bộ, giúp nhìn tổng thể mạng lưới thời gian thực. Tự động hóa giúp tiết kiệm chi phí, giảm thời gian triển khai và đặc biệt giảm thiểu rủi ro, nguy hiểm trong công việc”, ông Trịnh Đình Hoàn nói về những lợi ích Digital Twin có thể mang lại.
Theo nguồn: https://dantri.com.vn/suc-manh-so/ai-da-tao-ra-buoc-nhay-vot-trong-quan-tri-mang-vien-thong-cua-viettel-ra-sao-20240823063219004.htm