(PLO)- Ngoài căn nhà bị sóng lũ đánh sập nhiều mảng lớn, nước lũ còn cuốn trôi nhiều tài sản của vợ chồng anh Việt cũng như gây ngập sâu hơn 2,5 mét.
Đến ngày 4-11, khi bà con làng xóm, người dân vùng lũ Lệ Thủy đã cơ bản dọn dẹp xong nhà cửa, ngõ xóm thì vợ chồng anh Lê Thanh Việt (41 tuổi) và chị Lê Thị Thu Hoài (38 tuổi) ở thôn Phú Thọ, xã An Thủy vẫn chưa biết bắt đầu dọn dẹp từ đâu.
Căn nhà của hai vợ chồng anh chị xây dựng từ năm 2015 và sinh sống đến nay đã bị sóng lũ vừa qua đánh sập nhiều mảng lớn, nhiều tài sản cũng đã bị nước lũ cuốn trôi. Trước đó, do nhà ngập sâu hơn 2,5 mét nên cả hai vợ chồng cũng phải đi ở nhờ nhà hàng xóm.
“Hai vợ chồng lấy nhau hơn 10 năm chưa có con, gom góp tiết kiệm xây dựng được nhà mới phần thô, chưa trả hết nợ giờ căn nhà bị sóng lũ đánh sập, cuốn đi hết. Nhà cửa nằm ở khu vực mà các thuyền rất khó tiếp cận vì sóng lũ rất lớn, dễ gây lật thuyền. Trận lũ vừa qua hai vợ chồng cũng đi ở nhờ nhà người thân, hàng xóm” – bà Nguyễn Thị Lý (62 tuổi, ngụ xã An Thủy, huyện Lệ Thủy) chia sẻ.
Theo chia sẻ của anh Việt, trong trận lũ lịch sử năm 2020, nhà anh ngập sâu hơn ba mét nhưng sóng không đáng kể. Tuy nhiên, trận lũ vừa qua, dù nhà không có thuyền bè qua lại nhiều nhưng sóng lũ rất lớn, đánh sập nhiều mảng tường lớn.
“Đêm 27-10, sau khi dọn dẹp và kê cao đồ đạc nhưng do nước lũ lên nhanh trong đêm nên hai vợ chồng phải sang nhà hàng xóm ở nhờ. Đến ngày 30-10 thì nghe hàng xóm gần nhà báo nhà bị lũ đánh sập nhưng phải đến ngày 31-10, hai vợ chồng tôi mới về được nhà. Lúc đó, nhà vẫn đang còn ngập hơn 1m, nhiều máy móc, tài sản đã bị lũ cuốn đi hết” – anh Việt buồn bã.
Theo ghi nhận của PLO, sau trận lũ lịch sử năm 2020, nhiều người dân tại vùng lũ huyện Lệ Thủy đã đầu tư xây dựng nhà cửa và làm thêm gác lửng để phòng tránh lũ lớn. Do đó, năm nay, số lượng nhà bị sóng lũ đánh sập như hộ gia đình anh Việt khá ít, chủ yếu là sập tường rào.
Trong mưa lũ, nhiều người dân tại huyện Lệ Thủy có nhà hai tầng và gác lửng tránh lũ cũng sẵn sàng giúp đỡ các hộ dân có nhà ở vùng thấp trũng, ngập sâu đến để tránh trú, sinh hoạt chung một thời gian.
“Sau trận lũ lịch sử năm 2020, hầu hết người dân ai cũng có thêm nhiều kinh nghiệm trong việc chủ động phòng chống ngập lụt. Chính vì vậy, về mặt thiệt hại, năm nay xã An Thủy chỉ có hộ vợ chồng anh Việt bị thiệt hại nặng, căn nhà bị sóng lũ đánh sập nhiều bức tường, cuốn trôi nhiều tài sản.
Phía địa phương cũng đã nắm bắt cũng như thống kê để có báo cáo gửi các cấp có thẩm quyền xem xét, hỗ trợ. Mặt khác, thời gian tới địa phương cũng sẽ hướng các đoàn thiện nguyện về giúp đỡ, hỗ trợ gia đình nếu có.
Cũng rất mong các đoàn thiện nguyện, những tấm lòng hảo tâm hỗ trợ gia đình hai vợ chồng vượt qua khó khăn thời điểm hiện tại” – ông Lê Văn Quyết, Chủ tịch UBND xã An Thủy thông tin.
Mưa lũ gây thiệt hại hơn 595 tỉ đồng
Theo thống kê của Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn, Ban Chỉ huy Phòng thủ dân sự Quảng Bình, đợt mưa lũ vừa qua trên địa bàn đã làm 7 người chết, gần 200 nghìn con gia súc, gia cầm bị chết và cuốn trôi.
Cùng với đó, mưa lũ cũng gây thiệt hại hàng nghìn hecta rau màu, diện tích ao hồ nuôi cá và hàng chục km các tuyến đường bộ và đường bờ biển bị sạt trượt, hư hỏng. Ước tính địa bàn thiệt hại đến nay là hơn 595 tỉ đồng.
Theo nguồn: https://plo.vn/2-vo-chong-dung-that-than-ben-can-nha-bi-song-lu-danh-sap-o-quang-binh-post818177.html